Ấp ủ tham vọng lật đổ sự thống trị của đồng USD, BRICS tính đến chuyện ra mắt đồng tiền chung

Với tham vọng lật đổ sự thống trị của đồng USD cũng như  tránh tác động của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng với Nga, nhóm 5 nước BRICS (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi) đang tính đến chuyện ra mắt đồng tiền chung. Tuy nhiên việc thực hiện kế hoạch truất ngôi đồng USD hoàn toàn không dễ dàng…

Cuối tuần này, các Ngoại trưởng BRICS sẽ nhóm họp tại Cape Town – Nam Phi cùng với đại diện từ các quốc gia như Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kazakhstan. Đây là hoạt động nhằm khởi động cho Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Johannesburg – Nam Phi vào tháng 8 tới.

BRICS được thành lập năm 2000 với 4 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc; đến năm 2010 thì kết nạp thêm thành viên mới Nam Phi. Đến thời điểm hiện tại, BRICS đã trở thành một liên minh hùng mạnh khi chiếm tới hơn 42% dân số thế giới, đóng góp 23% GDP và 18% thương mại toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng như vũ bão, BRICS đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, bao gồm các cường quốc dầu mỏ vốn đang là đồng minh thân cận của Mỹ.

Những năm gần đây, Mỹ đã tiến hành các biện pháp trừng phạt hoặc đe dọa trừng phạt nhiều quốc gia từ Trung Quốc cho tới Nga hay cả các nước đồng minh Trung Đông như Ả rập Xê út. Giữ vị thế thống trị nên có đến 42% số giao dịch tiền tệ toàn cầu sử dụng đồng USD; qua đó mang lại lợi thế lớn cho Mỹ nhưng lại khiến các quốc gia khác cảm thấy bất an.

Tuy nhiên thời thế thay đổi khiến trật tự thế giới cũng bị đảo lộn. Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu có nhiều biến động, Nga và Trung Quốc đã cắt giảm mạnh việc sử dụng đồng USD trong thương mại song phương, châm ngòi cho tiến trình phi đô la hóa chính thức bùng nổ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, thế giới cũng trải qua “cơn đau tim” khi mâu thuẫn khó dung hòa giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ về quản lý ngân sách đã đẩy Chính phủ Mỹ tiến gần đến bờ vực vỡ nợ

Tuy nhiên những sang chấn này vẫn chưa đủ mạnh để hạ gục đồng USD. Bằng chứng là đồng bạc xanh vẫn giữ vị thế đồng tiền phổ biến nhất thế giới và luôn là lựa chọn số 2 sau đồng nội tệ tại nhiều quốc gia, thậm chí còn vượt qua đồng nội tệ để trở thành phương tiện thanh toán được tin tưởng nhất. Hầu hết mọi loại hàng hóa, từ vàng đến dầu mỏ, đều được giao dịch bằng đồng USD; thậm chí tiền số cũng gắn liền với đồng bạc xanh.

Chưa kể đồng USD vẫn đang được sử dụng như một phương pháp dự trữ quan trọng. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, có đến 59% dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu là đồng USD; theo sau là đồng Euro với 20% và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm 5% do đồng tiền này ít khi được sử dụng ngay cả ở châu Á hoặc bên ngoài tài chính liên kết thương mại

Quy mô của nhóm các nước BRICS đang được mở rộng. Ngoài Iran, Argentina và Algeria đã nộp đơn xin gia nhập thì các nước Ai Cập, Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng đang duy trì đối thoại mật thiết với BRICS. Thống kê cho thấy ngoài 5 thành viên hiện hữu thì có đến 19 nước khác đang quan tâm tới việc gia nhập BRICS, bao gồm 13 nước đã gửi lời đề nghị chính thức.

Tuy nhiên việc có quá nhiều quốc gia tham gia cũng gây áp lực không nhỏ lên việc xây dựng và quản lý đồng tiền chung BRICS. Nga có ý tưởng dùng vàng để hỗ trợ đồng tiền mới song lại gặp khó khăn trong việc vận chuyển vàng giữa các quốc gia thành viên.

Ngoài ra dù sự thống trị của đồng USD khiến các nước BRICS bất bình song sự khác biệt giữa các thành viên trong nhóm cũng là rào cản không nhỏ đối với việc hình thành đồng tiền chung. Có thể ở thời điểm hiện tại, dầu giá rẻ của Nga là một món hời khiến các quốc gia nhập khẩu cảm thấy hào hứng với việc sử dụng một đồng tiền khác để thay thế đồng USD song nếu xét trong dài hạn, sức hấp dẫn từ món hời này có thể sẽ biến mất.

Hồi tháng trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nam Phi Lesetja Kganyago nhấn mạnh rằng việc tạo ra một đồng tiền chung của BRICS sẽ yêu cầu một ngân hàng trung ương của khối. Cũng như sáng kiến Vành đai và Con đường từ châu Á đến châu Âu, không gì có thể bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không thống trị bất kỳ diễn đàn BRICS rộng lớn nào và đây sẽ là yếu tố quan trọng đưa Thượng Hải trở thành địa điểm lý tưởng nhất để đặt đại bản doanh của ngân hàng trung ương BRICS.

Tuy nhiên điều này sẽ làm Ấn Độ bất mãn, nhất là khi hai quốc gia tỷ dân đang có tranh chấp biên giới. Việc thay thế một loại tiền tệ được nền dân chủ tự do hậu thuẫn bằng một khái niệm do một nhà nước toàn trị thống trị với các biện pháp kiểm soát vốn sẽ không dễ dàng. Chưa kể tham vọng lật đổ sự thống trị của đồng USD còn đối mặt thêm một thách thức. Trong khi Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) còn chưa thể tạo ra đồng tiền riêng thì việc một nhóm các quốc gia ngẫu nhiên, có nhiều khác biệt như BRICS muốn tạo ra đồng tiền của riêng mình không phải chuyện dễ dàng.

Diệu Hoàng