Ảm đạm bức tranh xuất khẩu sang các thị trường chủ lực

5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng Việt Nam sang các thị trường chủ lực phải đối mặt với rất nhiều thách thức do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, điều tra phòng vệ thương mại gia tăng về tần suất.…

Lũy kế trong 5 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6%.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm các ngành hàng xuất khẩu đều gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó các ngành hàng dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản… có mức sụt giảm nhiều nhất do tình hình lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU…vẫn ở mức cao. Với các ngành hàng cao su, gạo, rau quả, hạt điều…, tình hình có vẻ khả quan hơn do các thị trường xuất khẩu chính là châu Á ít chịu tác động hơn.

Ngoài ra tần suất điều tra phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu chủ lực tăng mạnh thời gian gần đây cũng đẩy một số ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, nhựa… vào thế khó. Chưa kể vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu, từ đó cũng tạo ra không ít khó khăn về thị trường xuất khẩu.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việc FED duy trì tăng lãi suất trong thời gian dài đã giúp nền kinh tế hàng đầu thế giới dần kiểm soát được tình trạng lạm phát.

Tuy nhiên chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ có dấu hiệu giảm tốc và được dự báo có thể tiếp tục giảm mạnh hơn trong thời gian tới đã tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Đây là nguyên nhân khiến 5 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 37 tỷ USD, giảm mạnh 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó thủy sản là mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất khi trong tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm đến 53%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình trạng lạm phát kéo dài đẩy giá thực phẩm tăng cao buộc người dân Mỹ phải tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, thậm chí có người còn cắt giảm cả hàng thực phẩm và ăn ít hơn. Nhìn chung, người tiêu dùng Mỹ chỉ chi tiêu cho những hàng hóa mà họ thấy thực sự cần thiết.

Sau Mỹ thì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 19,8 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ (trong 4 tháng đầu năm giảm 7,9% so với cùng kỳ). Nguyên nhân là do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi xuất khẩu sụt giảm; lĩnh vực bất động sản – trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng “đóng băng”; tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kéo nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh; các tiêu chuẩn đối với hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc đặt ra cũng ngày càng khắt khe hơn trở thành rào cản không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt…

Trái ngược với bức tranh xuất khẩu ảm đạm tại 2 thị trường lớn Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU 5 tháng đầu năm có sự khởi sắc với kim ngạch ước đạt 18,4 tỷ USD, chỉ giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái (trong khi đó 4 tháng đầu năm 2023 giảm tới 14,1%). Tín hiệu vui này bắt nguồn từ chỉ số lạm phát tại một số nền kinh tế lớn của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong đó Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5/2023 giảm (tỷ lệ lạm phát trong tháng 5/2023 của Đức chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ; Pháp giảm còn 5,1% so với mức tăng 5,9% của tháng trước đó; Tây Ban Nha giảm còn 3,2%; Italy giảm còn 7,6%…).

Tại các thị trường chủ lực khác, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam cũng tiếp tục giảm như: thị trường ASEAN giảm 5,1% với 13,9 tỷ USD; thị trường Hàn Quốc giảm 7,1% với 9,5 tỷ USD; thị trường Nhật Bản tăng nhẹ 0,4% với 9,4 tỷ USD…

Từ các con số trên, có thể thấy Bộ Công Thương đã tiên lượng chính xác về diễn biến của thị trường và đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó Bộ Công Thương dành ưu tiên cho việc đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, giàu tiềm năng (Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu…); các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Đồng thời Quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mêxico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei…).

Mai An