Dầu Nga vẫn ào ạt chảy vào châu Âu qua đường biển
Bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc chiến tại Ukraine, dầu Nga vẫn ào ạt đổ vào các cảng ở châu Âu thông qua những tuyến đường biển bí mật.
Phóng sự điều tra thực hiện bởi phóng viên Nikkei cho thấy trong vòng 6 tháng kể từ khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, những thùng dầu đầy ứ trên 41 tàu xuất phát từ Nga đã được chuyển sang các tàu khác tại khu vực biển ngoài khơi Hy Lạp và sau đó các tàu này đều cập cảng ở châu Âu. Phóng viên Nikkei đã chụp được rất nhiều hình ảnh chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác tại khu vực biển ngoài khơi Hy Lạp. Điểm chung là đi cùng các tàu lớn thường có thêm một số tàu khác để hỗ trợ cho công tác vận chuyển dầu.
Ông Thalis Ladakakis – một người dân địa phương cho biết nhiều khả năng tai nạn xảy ra và dầu sẽ chảy xuống biển làm ô nhiễm môi trường; chưa kể lượng rác mà các tàu chở dầu thải ra biển cũng ảnh hưởng xấu đến những người đánh cá cũng như ngành du lịch địa phương. “Kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine chính thức leo thang (ngày 24/2/2022), số lượng tàu chở dầu theo hình thức này đã tăng chóng mặt” – ông Thalis Ladakakis tiết lộ.
Câu hỏi đặt ra ở đây là lượng dầu sẽ đổ về đâu? Để có thể xem xét kỹ hơn hoạt động vận chuyển dầu trên biển, Nikkei sử dụng số liệu từ công ty dữ liệu Anh Refinitiv để xem các tàu trên rời cảng nào của Nga và rồi sau đó kết nối với những tàu nào, tính từ ngày 24/2/2022.
Khảo sát này được thực hiện tại các vùng biển khu vực Địa Trung Hải ngoài khơi Hy Lạp – nơi thường xuyên diễn ra hoạt động vận chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác. Hệ thống nhận diện tự động (AIS) sẽ đón tín hiệu từ các tàu chở dầu và theo dõi được tuyến đường đi của họ. Ngoài ra, hệ thống AIS cũng tính toán được sự thay đổi khối lượng hàng trên mỗi tàu, thời điểm thay đổi trên lộ trình cũng như tính toán xem cần bao nhiêu tàu tiếp hàng để nhận được hết hàng sang.
Phóng sự điều tra của Nikkei cho thấy trong khoảng 6 tháng tính đến ngày 22/8/2022, có tổng cộng 175 tàu vận chuyển dầu sang tàu khác ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, trong đó có cả tàu chở dầu từ Nga. Thông qua hình thức này, ước tính Nga đã xuất khẩu được khoảng 23,86 triệu thùng dầu trong khi cùng thời gian này năm ngoái chỉ khoảng 4,34 triệu thùng dầu.
Trong quá trình theo dấu các con tàu, phóng viên Nikkei phát hiện ra rằng có khoảng 89 tàu cập các cảng ở một số nước thuộc khu vực châu Âu như Hy Lạp, Bỉ, thậm chí là Anh – quốc gia vốn nhiệt liệt ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga. Từ đây có thể đi đến kết luận các khu vực hải phận gần Hy Lạp giữ vai trò như điểm trung chuyển dầu giữa Nga và châu Âu.
Theo lộ trình thì cuối năm 2022, đầu năm 2023 EU và Anh sẽ cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu từ Nga theo các tuyến đường biển. Tuy nhiên kể cả khi quy định cấm nhập khẩu dầu có hiệu lực, việc vận chuyển trái phép dầu Nga trên biển có thể sẽ vẫn tiếp diễn.
Thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy trong tháng 7/2022 xuất khẩu dầu của Nga sang EU ước đạt khoảng 2,8 triệu thùng/ngày, giảm 26% so với tháng 1/2022. Dù ở thời điểm hiện tại việc mua dầu từ Nga vẫn được coi là hợp pháp song nhiều doanh nghiệp vẫn tính đến chuyện xem xét lại mối quan hệ của họ với Nga khi mà chính phủ cũng như các thị trường bắt đầu giám sát chặt chẽ hơn.
Hoàng Anh