Đức báo động khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang chính thức thiếu khí đốt tự nhiên và đang củng cố kế hoạch khẩn cấp để tích trữ nguồn cung trước mùa Đông khi Nga ngừng cung cấp nhiên liệu.
Hôm thứ Năm, Đức đã kích hoạt giai đoạn hai của chương trình khẩn cấp khí đốt ba giai đoạn, tiến gần hơn một bước tới việc phân bổ nguồn cung cấp cho ngành công nghiệp – một bước đi sẽ giáng một đòn mạnh vào trung tâm sản xuất của nền kinh tế nước này.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Berlin: ”Nguồn cung từ giờ trở đi sẽ thiếu hụt ở Đức.
Cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực leo thang trong tháng này khi Nga tiếp tục giảm nguồn cung cấp cho Đức và các nước Liên minh châu Âu khác”.
Công ty khí đốt nhà nước Gazprom của Nga đã cắt giảm 60% dòng chảy qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đến Đức vào tuần trước, đổ lỗi cho động thái này là do phương Tây quyết định giữ lại các tuabin quan trọng vì các lệnh trừng phạt. Tập đoàn năng lượng khổng lồ ENI của Ý cũng cho biết họ đã được thông báo rằng Gazprom sẽ cắt giảm 15% nguồn cung.
Habeck kêu gọi người Đức giảm tiêu thụ khí đốt như một phần trong nỗ lực quốc gia nhằm chuẩn bị cho “những tháng mùa đông sắp tới”.
Ông Habeck cho biết thêm rằng quyết định của chính phủ Đức nâng mức lên mức “báo động” sau khi Nga cắt giảm lượng giao hàng được đưa ra kể từ ngày 14/6 và giá khí đốt trên thị trường tiếp tục ở mức cao.
Giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn ở châu Âu đã tăng khoảng 60% kể từ giữa tháng này lên khoảng 133 € (140 USD) mỗi megawatt giờ (MWh).
Habeck cho biết trong khi các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đã đầy 58% – cao hơn so với thời điểm này năm ngoái – mục tiêu đạt 90% vào tháng 12 sẽ không thể đạt được nếu không có các biện pháp khác.
Việc điều chỉnh dòng khí gần đây của Gazprom diễn ra sau khi họ đã cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan, cũng như cho các công ty năng lượng ở Đan Mạch, Đức và Hà Lan, vì họ từ chối tuân thủ yêu cầu của Điện Kremlin là phải trả thanh toán hóa đơn bằng đồng rúp.
Đức, Áo và các nước EU khác đang chuyển hướng sang các nhà máy điện chạy bằng than và dầu để nhiều khí đốt hơn có thể được chuyển sang tích trữ để sưởi ấm cho các ngôi nhà trong mùa đông.
Châu Âu đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga kể từ khi xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2. Đức đã cố gắng giảm thị phần nhập khẩu của Moscow xuống 35% từ 55% trước khi bắt đầu chiến tranh.
Tuy nhiên, các lựa chọn để tìm nguồn cung cấp thay thế đã tiêu tan vào tuần trước khi một nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn của Mỹ cho biết rằng cơ sở của họ ở Texas sẽ đóng cửa hoàn toàn trong 90 ngày sau khi hỏa hoạn xảy ra. Freeport LNG đã sản xuất khoảng 1/5 lượng LNG xuất khẩu của Mỹ cho đến nay trong năm nay, theo công ty phân tích Vortexa.
Trúc Dung