Hướng tới một ngành công nghiệp hóa chất xanh, hiện đại, thân thiện với môi trường
Cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam cũng đã có những bước tiến vượt bậc và vươn lên gặt hái nhiều thành tựu đáng khích lệ. Đặt trong bối cảnh rộng mở của cuộc đại cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển mình, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, hiện đại và bền vững.
Hàng năm tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp. Sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng từ 13-14% tổng giá trị GDP toàn ngành công nghiệp. Theo thời gian, chủng loại, cơ cấu sản phẩm ngày càng đa dạng, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trong một số lĩnh vực (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, sơn thông dụng, sản hẩm tẩy rửa) và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác.
Tính đến năm 2020, toàn ngành công nghiệp hóa chất có khoảng 1.818 doanh nghiệp sản xuất phân bổ trên 6 vùng trong cả nước. Trong đó có 894 doanh nghiệp sản xuất phân bón (chiếm 49%), 106 doanh nghiệp sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (chiếm 6%), 14 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hóa dầu (chiếm 1%), 68 doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản (chiếm khoảng 4%)…Nhiều doanh nghiệp lâu năm cũng đã chú trọng tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật, cách thức sản xuất mới và thu được những hiệu quả rõ rệt, đơn cử: Công ty CP Sơn Nishu đã tiến hành thay thế công thức sản phẩm, đầu tư mới thiết bị, giảm thiểu các yếu tố khó phân hủy trong môi trường; Công ty CP Hóa chất cơ bản Miền Nam và Công ty CP Hóa chất Việt Trì đã ứng dụng công nghệ điện phân xút-clo màng trao đổi ion; Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Cao su Miền Nam đã đầu tư nhà máy lốp xe tải radial và tổ chức sản xuất loại lốp ô tô đặc chủng cho xe siêu tải trọng; Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã triển khai công trình chuyển đổi công nghệ sản xuất axit sunphuric từ tiếp xúc đơn, hấp thụ một lần sang công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ hai lần… Các Công ty cũng đã khẳng định việc áp dụng công nghệ mới, hiện đại, thiết bị tiên tiến, điều khiển tự động đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng độ an toàn, giảm mức tiêu hao nguyên liệu và góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu nổi bật đạt được, phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế: cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; chỉ sản xuất được một số sản phẩm thông dụng, chưa sản xuất được các sản phẩm hóa chất có yêu cầu kỹ thuật cao; chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu….Chưa kể bấy lâu nay hóa chất vẫn bị đánh giá là ngành tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nên nhiều địa phương vẫn còn e ngại cấp phép cho những dự án hóa chất đơn lẻ.
Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội được đặt ra là phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có công nghiệp hóa chất. Điều này một lần nữa tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt tại Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 mà Bộ Công Thương đang trình Chính phủ xem xét, ban hành cũng cho thấy rõ nét những định hướng phát triển ngành này theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó yêu cầu đặt ra là xây dựng ngành công nghiệp hoá chất theo hướng hiện đại với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực. Đồng thời phát triển ngành công nghiệp hoá chất gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.
Nền tảng thiết yếu cho một nền kinh tế tuần hoàn
Ông Lê Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam cho rằng để thực thi một nền kinh tế tuần hoàn thì ngành công nghiệp hóa chất là yếu tố thiết yếu bởi đây là ngành giao thoa của các yêu cầu về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên không tái tạo, tăng khả năng khai thác, phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tái tạo (kể cả chất thải) để đồng thời giải quyết những xung đột về phát triển và môi trường, xã hội trong những xu thế hiện đại và văn minh hóa ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Còn theo ông Patrick Haverman- Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, thông qua áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững và kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị trên 4 phương diện: tạo doanh thu, nâng cao thương hiệu, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro.
Đây là lý do mà phát triển các tổ hợp hoá chất tập trung, trung tâm logistics về hoá chất được coi là giải pháp đột phá trong Chiến lược phát triển ngành. Các khu công nghiệp hoá chất tập trung sẽ thu hút các dự án sản xuất hóa chất và các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp khác. Các sản phẩm và chất thải của nhà máy này trở thành nguyên liệu của nhà máy khác trong tổ hợp, qua đó vừa giúp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa hình thành được mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong toàn ngành. Các khu công nghiệp hóa chất tập trung thường được định hướng xây dựng tại các địa điểm vị trí địa – kinh tế, chính trị thuận lợi, có lợi thế về nguồn nguyên liệu, cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dịch vụ cho người lao động, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…, có hệ thống quản lý, giám sát để đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường. Nhiều quốc gia phát triển tại châu Âu cũng như các châu lục khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…) đã rất thành công với mô hình này và Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm.
Việc hình thành các khu công nghiệp hoá chất tập trung sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và hứa hẹn đem lại diện mạo mới cho ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam về một ngành công nghiệp xanh hiện đại, bền vững. Hiện nay đã có 5 địa phương là Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận ủng hộ và có kế hoạch đưa việc sử dụng đất cho các dự án công nghiệp hóa chất vào quy hoạch sử dụng đất của địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Về phía Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ban ngành, địa phương tham mưu, đề xuất xây dựng khung khổ pháp luật, xây dựng các chính sách hỗ trợ đủ mạnh làm tiền đề cho ngành công nghiệp hóa chất phát triển thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho con người.
Việt Trung