Việt Nam có 4 tỷ phú nằm trong danh sách các tỷ phú thế giới 2018 của Forbes

Theo danh sách các tỷ phú USD của thế giới năm 2018 do Tạp chí danh tiếng Forbes công bố, Việt Nam có thêm 2 tỷ phú được ghi danh là ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long. Như vậy đến nay Việt Nam đã có 4 tỷ phú góp mặt trong danh sách tinh hoa giàu có của thế giới với tổng khối tài sản lên tới 12,6 tỷ USD (tương đương khoảng 293.000 tỷ đồng).

4 tỷ phú này gồm: ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch tập đoàn Vingroup với khối tài sản 4,3 tỷ USD, xếp thứ 499 trong danh sách; bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Vietjet Air với khối tài sản 3,1 tỷ USD, xếp thứ 766; ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Công ty Ô tô Trường Hải với khối tài sản 1,8 tỷ USD, xếp thứ 1339 và ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát với khối tài sản 1,3 tỷ USD (đứng thứ 1756).

Tính đến đầu năm 2018, trên thế giới có 2.754 tỷ phú, tăng 711 người so với năm 2017. Trong đó Hoa Kỳ vẫn đang dẫn đầu về số lượng các tỷ phú với tổng cộng 585 người (tăng thêm 20 người so với năm 2017); tổng số tài sản tỷ phú tăng thêm là 340 tỷ USD. Trong khi đó Trung Quốc là nước có số lượng tỷ phú tăng nhanh nhất với 54 tỷ phú tăng thêm, tổng số tài sản của các tỷ phú cũng được nâng lên con số 1.123 tỷ USD, tăng 311,4 tỷ USD so với năm 2017.

Bảng thống kê của Forbescho thấy mặc dù mức tăng về số lượng tỷ phú của Việt Nam ngang hàng với Nhật Bản song lại chỉ bằng 1/27 lần Trung Quốc và bằng 1/10 Hoa Kỳ. Tổng khối lượng tài sản của các tỷ phú tăng thêm ở Việt Nam là 6,4 tỷ USD, bằng khoảng ¼ lần Nhật Bản nhưng thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Á khác. Trong năm 2018, tổng số tài sản ở châu Á cũng tăng lên nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới do sự gia tăng đột ngột số lượng tỷ phú và khối lượng tài sản của Trung Quốc.

Nếu xét trong khu vực Đông Nam Á, các nước Indonesia, Malaysia, Phillippines và Singapore có mặt bằng chung khá đồng đều; trong đó Thái Lan giữ vị trí dẫn đầu về số lượng cũng như tổng tài sản của các tỷ phú.  So với Thái Lan, tổng tài sản tỷ phú của Việt Nam chỉ bằng 1/7 và so với các quốc gia khác ở  Đông Nam Á chỉ bằng 1/5.

Về mật độ tỷ phú trên dân số, Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ rất thấp so với các quốc gia khác, kể cả trong và ngoài khu vực Đông Nam Á. Cụ thể mật độ tỷ phú Việt Nam chỉ bằng 1/2 của Indonesia, bằng 1/3 của Phillipines và hoàn toàn kém xa so với Singapore, Thái Lan, Malaysia.

 

Những thống kê thú vị về giới tỷ phú toàn cầu

1. Để trở thành tỷ phú phải mất khoảng thời gian khá dài; minh chứng là độ tuổi trung bình của các tỷ phú trên thế giới là 63 tuổi. Trong khi đó các tỷ phú Việt Nam ở độ tuổi từ 48-58, trẻ hơn so với mức trung bình của thế giới…

2. Tỷ lệ các tỷ phú kết hôn chiếm 65%.  Trong đó cả 4 tỷ phú của Việt Nam đều đã lập gia đình

3. 88% tỷ phú thế giới là nam giới, 12% còn lại là nữ giới chỉ. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 75% nam giới và 25% nữ giới.

4. Có 60% số tỷ phú trên thế giới là những người tự tay gây dựng cơ đồ như Jack Ma hay Larry Ellison. Cả 4 tỷ phú của Việt Nam đều nằm trong số 60% tự tạo lập cơ nghiệp này.

5. Cứ 3 triệu người trên trái đất mới có 1 người là tỷ phú USD.

6. Tổng số 2.754 tỷ phú của thế giới hiện nay đang nắm quyền kiểm soát 4% tài sản trên toàn cầu.

7. Khoảng 70% các tỷ phú có bằng cử nhân. Tuy nhiên lượng người theo đuổi tấm bằng sau đại học rất thấp. 22% có trình độ thạc sĩ, 13% có bằng quản trị kinh doanh, 10% là tiến sĩ, 3% có bằng luật và dưới 1% có bằng dược phẩm.

8. Các tỷ phú có xu hướng sở hữu “các tài sản đắt giá không phải là bất động sản”. Chẳng hạn, có 30 tỷ phú sở hữu một đội bóng hoặc một giải đua ngựa. Những tài sản khác mà các tỷ phú ưa thích bao gồm du thuyền, máy bay, siêu xe và các tác phẩm nghệ thuật.

9. Các tỷ phú đầu tư nhiều vào bất động sản, với mức đầu tư trung bình vào lĩnh vực này là 160 triệu USD mỗi người. Họ thường có 4 bất động sản, và đây được xem là một đặc điểm của “lối sống tỷ phú”.

10. Nhiều tỷ phú từng theo học các trường đại học danh giá nhất song cũng có tới 35% tỷ phú của thế giới chưa từng tốt nghiệp đại học.

Theo : Thanh Tùng