Thông tư 11/2020/TT-BCT: Cơ sở pháp lý vững chắc cho thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được Quốc hội Việt Nam thông qua và dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020. Nhằm tạo cơ sở pháp lý để hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi ngay khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, ngày 15/6/2020 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020.
Được ban hành sau gần 1 năm xây dựng dự thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp, Thông tư số 11/2020/TT-BCT bao gồm 5 Chương, 42 Điều và 08 Phụ lục ban hành kèm theo. Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA áp dụng với đối tượng: cơ quan, tổ chức cấp C/O; thương nhân; cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.
Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O mẫu EUR.1 theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT và hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. Danh mục cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 của Việt Nam được cập nhật tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn. Cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 của Việt Nam đăng ký mẫu con dấu và cập nhật các mẫu con dấu này theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Việc sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quy tắc xuất xứ trong EVFTA là một trong những hành động cụ thể về xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nước nằm trong Kế hoạch hành động triển khai Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương.
Ngoài ra hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan ngay khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ trong Kế hoạch hành động, bao gồm 4 nhóm hành động lớn: tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước đối tác tại EU; xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn, các tổ chức của người lao động tại cơ sở của doanh nghiệp.
So với các FTA Việt Nam đang tham gia, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả trên phương diện cách diễn đạt tiêu chí lẫn các quy định đi kèm. Trong đó có thể kể đến một số điểm mới như: mặt hàng dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định; cơ chế chứng nhận và xác minh xuất xứ hàng hóa, chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định; điều khoản đặc biệt về lãnh thổ….
Ngoài ra theo quy định tại EVFTA, vào ngày Hiệp định chính thức có hiệu lực, hàng hóa đang ở tại một nước thành viên hoặc trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời, trong kho ngoại quan hoặc trong khu phi thuế quan có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA với điều kiện nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ phát hành sau cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu.
Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Thông tư số 11/2020/TT-BCT là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA.
Thông tư được ban hành là điều kiện cần để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế quan ngay những ngày đầu tiên khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên để đón đầu và tận dụng hiệu quả cơ hội này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những hiểu biết đúng đắn về quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT để không bỡ ngỡ hay nhầm lẫn khi áp dụng.
Đó là lý do sau khi ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động phổ biến, tuyên truyền và giới thiệu rộng rãi Thông tư tới cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Kim Phương