8 tháng, vốn FDI vào hoạt động mua bán, sáp nhập giảm sâu

Trong bức tranh thu hút FDI 8 tháng đầu năm nay, vốn đăng ký mới, tăng thêm và vốn giải ngân của các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam tăng mạnh; ngược lại vốn góp, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư FDI lại giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước sự phục hồi chậm chạp của tiêu dùng tư nhân trong nước cũng như những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh

Năm 2021, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, thu hút vốn FDI toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi nhưng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam vẫn đạt những kết quả đáng kích lệ. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2021 Việt Nam thu hút được 19,12 tỷ USD vốn FDI; ba chỉ số vốn FDI đăng ký cấp mới, vốn FDI điều chỉnh và vốn FDI giải ngân đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó: vốn FDI đăng ký cấp mới đạt 11,33 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự vốn đăng ký tăng thêm đạt 5 tỷ USD, tăng 2,3%; vốn giải ngân đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2%.

Ngược lại chỉ số vốn góp, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư FDI lại giảm mạnh. Theo đó trong 8 tháng đầu năm 2021 chỉ ghi nhận có 2.720 lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư FDI với tổng vốn góp đạt 2,81 tỷ USD, giảm 43,4% về số lượt và số vốn so với cùng thời điểm 2020. Mặc dù mức giảm này đã cải thiện so với 7 tháng đầu năm nay (giảm 55,8%) nhưng đây vẫn là mức giảm khá sâu, đồng thời là nguyên nhân kéo kết quả thu hút FDI chung giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn lại giai đoạn 2017-2019, có thể thấy vốn góp, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư FDI vào Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ (năm 2017 đạt 6,19 tỷ USD; năm 2018 đạt 9,89 tỷ USD; năm 2019 đạt 15,47 tỷ USD); tuy nhiên bước sang năm 2020, chỉ số này đã có sự chững lại với 7,47 tỷ USD, chưa bằng 50% của năm 2019 và 8 tháng đầu năm 2021 vẫn giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia kinh tế lý giải sở dĩ giai đoạn trước đại dịch Covid-19, đầu tư nước ngoài theo hình thức mua lại, sáp nhập (M&A) có sự tăng trưởng nhanh là do nhà đầu tư FDI đặc biệt quan tâm tới thị trường tiêu dùng Việt Nam vốn đang rất sôi động. Tuy nhiên bước sang giai đoạn 2020-2021 khi dịch bệnh xuất hiện thì tỷ lệ này lập tức suy giảm, phản ánh sự cẩn trọng hơn của nhà đầu tư trước sự phục hồi chậm chạp của tiêu dùng tư nhân trong nước cũng như tác động của dịch bệnh đến các doanh nghiệp. Ngoài ra tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị chậm lại do Chính phủ và các Bộ, ban ngành địa phương đang dồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng khiến sức hút của lĩnh vực M&A đối với nhà đầu tư FDI sụt giảm đi đáng kể.

Còn theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), M&A là hình thức đầu tư rất nhạy cảm với các biến động và tính bất định của thị trường, chính vì vậy đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến thị trường M&A trên thế giới nói chung – Việt Nam nói riêng. Chưa kể nhà đầu tư cũng gặp khó khăn trong việc trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp, xuất phát từ quy định cách ly, hạn chế di chuyển của Chính phủ. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có hoạt động M&A.

Tuy nhiên vượt lên trên mọi trở lực, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư được đánh giá cao, lọt Top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới vào năm 2020 do Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố. Qua đây có thể thấy cơ hội để Việt Nam gia tăng thu hút dòng vốn FDI vẫn rất rộng mở và nhiều khả năng thu hút FDI của Việt Nam trong năm nay có thể đạt mức tương đương hoặc vượt năm ngoái.

Diệu Anh