Ý kiến giới phân tích về hiệp định RCEP
Trung Quốc và 14 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác đã ký thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới vào Chủ nhật – một động thái mà các nhà phân tích cho rằng sẽ nâng cao hơn nữa ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã trở thành khối thương mại lớn nhất trên toàn cầu, bao phủ thị trường 2,2 tỷ dân và 26,2 nghìn tỷ USD sản lượng toàn cầu. Con số đó tương đương 30% dân số toàn thế giới, cũng như nền kinh tế toàn cầu. Nó cũng lớn hơn những gì được đề cập trong Thỏa thuận Mỹ -Mexico-Canada (USMCA) và Liên minh Châu Âu (EU).
Các nhà phân tích cho biết lợi ích kinh tế của RCEP là rất khiêm tốn và sẽ mất nhiều năm để hiện thực hóa. Tuy nhiên, thỏa thuận là một chiến thắng địa chính trị cho Trung Quốc vào thời điểm Mỹ dường như đang rút lui khỏi châu Á – Thái Bình Dương dựa trên chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.
Các nhà phân tích cho biết cũng không rõ liệu Mỹ có đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại lớn nào với các nền kinh tế trong khu vực dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden hay không.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên đã ký thỏa thuận lớn với các đối tác thương mại hàng đầu của khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Các nhà phân tích từ Citi Research viết trong một báo cáo hôm Chủ nhật: “Thông điệp ngoại giao của RCEP có tầm quan trọng như thông điệp kinh tế – đó là ‘hành động táo bạo’ của Trung Quốc”.
Họ giải thích rằng RCEP đã đạt được một số ý nghĩa trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và lo ngại về phi toàn cầu hóa:
- Cho thấy Đông Á rất cởi mở cho kinh doanh và nhận ra những lợi ích kinh tế của hội nhập thương mại sâu rộng hơn.
- Giảm bớt quan điểm cho rằng Trung Quốc đang hướng nội nhiều hơn với “chiến lược tuần hoàn kép”, vốn chú trọng vào thị trường nội địa.
- Bày tỏ dấu hiệu rằng khi nói đến chính sách kinh tế, các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều đó đúng ngay cả với các quốc gia có liên minh an ninh mạnh mẽ với Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lợi ích của RCEP
Các nhà phân tích cho rằng RCEP là một thỏa thuận thương mại yếu hơn so với CPTPP. Các nước thành viên RCEP hiện đã có mức thuế thấp do các thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương nhỏ hơn hiện có giữa các nước đó, do đó lợi ích kinh tế trực tiếp bị hạn chế.
Ví dụ, hơn 70% thương mại giữa 10 nước ASEAN được thực thi với mức thuế bằng 0, theo Gareth Leather, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại công ty tư vấn Capital Economics.
Các khoản cắt giảm thuế quan bổ sung theo RCEP “sẽ chỉ có hiệu lực dần dần và phải mất nhiều năm nữa hiệp ước mới có hiệu lực hoàn toàn”, theo Leather.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đặt nền tảng cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa các quốc gia thành viên trong tương lai, đặc biệt là giữa các quốc gia không có thỏa thuận thương mại song phương hiện có, theo Simon Baptist, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại công ty tư vấn The Economist Intelligence Unit.
Ấn Độ sẽ trở lại?
Ấn Độ, quốc gia đã tham gia vào các cuộc đàm phán RCEP ngay từ đầu, đã rút khỏi hiệp ước vào năm ngoái. Trong số những lo ngại của quốc gia này là thỏa thuận này sẽ dẫn đến tình trạng tràn ngập hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, điều này sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất Ấn Độ.
Thỏa thuận RCEP được ký vào cuối tuần qua mở ngỏ khả năng cho Ấn Độ trở lại. Một số nước thành viên, chẳng hạn như Nhật Bản, coi sự hiện diện của Ấn Độ là quan trọng để chống lại sức nặng kinh tế của Trung Quốc, theo chuyên gia Leather của Capital Economics.
Tuy nhiên, theo ông, “các cuộc đụng độ trên dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Trung Quốc khiến việc ký kết một thỏa thuận liên quan đến Trung Quốc càng khó khăn hơn”.
Các nhà phân tích từ Citi Research cho rằng Ấn Độ là một trong những quốc gia thiệt thòi nhiều nhất khi không tham gia RCEP. Trích dẫn một phân tích từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, Citi cho biết Ấn Độ có thể tăng thêm 1,1 điểm phần trăm trong GDP thực vào năm 2030 nếu nước này tiếp tục tham gia hiệp ước.
Các nhà phân tích của Citi cho biết: “Việc không tham gia RCEP có thể sẽ khiến Ấn Độ trở nên kém hấp dẫn hơn với tư cách là một cơ sở sản xuất thay thế so với ASEAN”.
Ngay cả khi Ấn Độ không quay lại thỏa thuận, 15 nền kinh tế tham gia RCEP hiện tại sẽ phát triển để chiếm 50% sản lượng toàn cầu vào năm 2030, theo báo cáo của HSBC hôm Chủ nhật.
Bảo Nguyên