Xuất nhập khẩu năm 2021 và cơ hội cân bằng cán cân thương mại, tiến tới thặng dư

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tính đến ngày 15/6/2021 đạt 288,68 tỷ USD, tăng 33% (71,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái và nước ta nhập siêu 1,96 tỷ USD.

Cụ thể số liệu được Tổng cục Hải quan ghi nhận, tính đến hết ngày 15/6/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 143,36 tỷ USD, tăng 29,7% (32,79 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái; ở chiều ngược lại tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 145,32 tỷ USD, tăng 36,4% (38,76 tỷ USD). Trong đó một số nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,07 tỷ USD, tương ứng tăng 24,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 5,76 tỷ USD, tương ứng tăng 37,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,8 tỷ USD, tương ứng tăng 51,2%… so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, sở dĩ kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu ổn định trở lại. Tín hiệu vui là nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã có đơn hàng tới hết quý III, thậm chí quý IV năm nay…, chính vì vậy nhập khẩu nguyên liệu tăng là điều tất yếu.

Một điểm đáng lưu ý, trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước tính đến hết ngày 15/6/2021 thì kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích chỉ chiếm khoảng gần 4%; qua đó cho thấy cán cân thương mại thâm hụt không phải do gia tăng nhập khẩu các mặt hàng không được khuyến khích.

Để cân bằng trở lại cán cân thương mại, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thị trường nhập khẩu, nhất là đối với nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời. Song song đó Bộ cũng sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào: đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu; khai thác và tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, chủ động thâm nhập các thị trường mới giàu tiềm năng; tập trung xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới; đồng thời tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Bộ Công Thương nhận định bức tranh xuất nhập khẩu thời gian tới sẽ có nhiều “gam màu sáng”, đặt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)… đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Một thuận lợi nữa là giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng dần, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tạo động lực quan trọng để nâng cao giá trị xuất khẩu. Đặc biệt lệnh phong tỏa tại các nước Mỹ, châu Âu đang dần được dỡ bỏ theo tiến độ tiêm vaccine, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới dần phục hồi trở lại sẽ là cơ hội vàng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh, tiến tới cân bằng và có thặng dư thương mại.

Như Anh