Xuất khẩu Việt Nam và bệ phóng tăng trưởng từ EVFTA

Sau hơn 1 tháng có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cũng như mang lại kết quả hết sức khả quan cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta.

Chiều ngày 17/9/2020, tại tỉnh Bến Tre, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ công bố chính thức xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam sang EU theo Hiệp định EVFTA. Lô hàng gồm container 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long do Công ty Vina T&T (huyện Châu Thành, Bến Tre) xuất khẩu sang EU bằng đường tàu biển và hàng không. Sau lô hàng này, dự kiến mỗi tuần Công ty Vina T&T xuất khẩu khoảng 20 tấn trái cây các loại sang EU, sau đó sẽ tăng dần. Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết trước khi có EVFTA, tại EU trái cây Việt Nam có giá khá cao so với trái cây các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…, vì vậy mà khó cạnh tranh. Với Hiệp định EVFTA, nhờ thuế giảm nên các nhà nhập khẩu sẽ ưu tiên mua hàng của Việt Nam hơn.

Sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Tp.Cần Thơ) cũng đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của CHLB Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Trong đó, gạo ST20 có giá lên tới trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn, là mức giá cao nhất trong 9 năm gần đây. Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An cho biết lô gạo đầu tiên của Công ty đã được đóng hàng ngày 27 và 28/8 với số lượng 150 tấn. Từ đầu tháng 9 đến nay Công ty Trung An  vẫn đóng hàng tiếp để giao theo lịch của khách hàng, mỗi lô khoảng 2-3 container… Dự tính khoảng cuối năm nay Trung An sẽ giao xong 3.000 tấn cho 3 thương nhân ở châu Âu. Ngoài ra, khả năng tháng 10/2020 doanh nghiệp này sẽ ký hợp đồng và giao hàng cho một thương nhân ở Pháp.

Công ty Vina T&T và Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là hai trong số rất nhiều những doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối tốt EVFTA ngay từ những ngày đầu Hiệp định chính thức có hiệu lực. Có thể thấy sau hơn một tháng EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nhiều sản phẩm Việt Nam sang EU, nhất là các mặt hàng nông sản đã có sự gia tăng đột biến, đặt nền tảng cho những bước tiến trong tương lai, điển hình như mặt hàng tôm nước lợ tại Ninh Thuận; cà phê, chanh leo (chanh dây) tại Gia Lai…

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy trong 8 đầu năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 336,92 tỷ USD; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 161,9 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019. Cán cân thương mại cả nước đã xuất siêu gần 13,5 tỷ USD sau 8 tháng, gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ USD).

Đáng chú ý chỉ riêng trong tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020 với 27,7 tỷ USD, tăng 11,4% so với tháng trước. Mức tăng chủ yếu đến từ đà tăng trưởng cao của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ…

Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, EVFTA có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như như: nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…Với EVFTA, hàng hóa xuất xứ Việt Nam sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa xuất xứ từ các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU. Thực tế số liệu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực (1-31/8/2020), các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,… Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh Quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn với thuế suất 0% gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Thị trường này cũng cho tự do hóa hoàn toàn với mặt hàng gạo tấm; riêng các sản phẩm từ gạo được hưởng thuế suất 0% sau 3-5 năm. Thực tế sau 1 tháng thực thi EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đã được hưởng lợi khá lớn từ những ưu đãi của Hiệp định. Giá gạo xuất khẩu cũng đã tăng từ 80 – 200 USD/tấn so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.

Bên cạnh hàng nông sản Việt Nam, nhiều mặt hàng khác như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… cũng đang kỳ vọng lớn vào việc gia tăng xuất khẩu sang EU khi EVFTA có hiệu lực, trong bối cảnh xuất khẩu nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Từ nay đến cuối năm, để duy trì những kết quả đạt được, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.

Kim Phương