Xuất khẩu thủy sản vào EU – Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ EVFTA
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đang có nhiều dấu hiệu lạc quan nhờ tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Tín hiệu vui
Theo VASEP, kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực (ngày 1/8/2020) cho đến nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lợi thế của Việt Nam là tôm và mực. Tín hiệu lạc quan này phần nào cho thấy EVFTA đã có những tác động rất tích cực đến tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm đạt kết quả khả quan, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết thị trường chủ lực của doanh nghiệp là Mỹ và EU. Tính đến thời điểm này, Thuận Phước xuất khẩu được 3.000 tấn tôm và các sản phẩm làm từ con tôm, tăng 8% so với cùng kỳ; đạt trên 31 triệu USD, tăng gần 6%. Theo ông Lĩnh, sở dĩ Thuận Phước đạt được kết quả khả quan này là nhờ các tác động tích cực của EVFTA.
Cũng như Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, hoạt động của Công ty CP Thủy sản Ngọc Xuân cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Giám đốc Công ty – bà Nguyễn Thị Ánh cho biết gần đây các khách hàng của EU đã bắt đầu đàm phán đơn hàng trở lại với Ngọc Xuân. Đây thực sự là tín hiệu vui để doanh nghiệp tái phục hồi và phát triển sau thời gian dài bị hoãn, hủy hợp đồng.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả khả quan đạt được, để nâng cao kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng như gia tăng thị phần tại EU đòi hỏi nước ta phải cấp bách gỡ thẻ vàng IUU bởi đây là rào cản lớn khiến các doanh nghiệp chưa thể xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường tiềm năng này – đồng nghĩa với việc chúng ta chưa tận dụng hết lợi thế của EVFTA.
Quyết liệt vào cuộc
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP nhận định trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, mức tăng 10% trong xuất khẩu thủy sản là con số rất đáng khích lệ; mặc dù trước đó khi chưa xuất hiện dịch bệnh, Hiệp hội kỳ vọng con số tăng trưởng đạt khoảng 20%. Về triển vọng sắp tới tại thị trường EU, ông Hòe cho biết do các nước châu Âu vẫn đang có dịch nên hiện tại Hiệp hội chưa thể đưa ra mức dự báo tăng trưởng cụ thể.
Riêng về vấn đề gỡ thẻ vàng, hiện các địa phương đang quyết liệt triển khai thực hiện nhiều biện pháp chống đánh bắt bất hợp pháp, đồng thời tăng cường kiểm soát, giám sát lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp cố tình vi phạm về việc sử dụng thiết bị định vị.
Điển hình như tại tỉnh Bình Thuận. Tính đến giữa tháng 7/2020, địa phương nay có hơn 82% tàu cá (khoảng 1.580 tàu) đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó, nhóm tàu có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên có 35/36 tàu cá lắp đặt. Một số địa phương có tỷ lệ tàu cá lắp đặt cao như: huyện Phú Quý có 465 tàu lắp đặt, đạt 98,9%; thị xã La Gi có 542 tàu lắp đặt, đạt 77%; thành phố Phan Thiết có 371 tàu cá lắp đặt, đạt 80%…Nhận thức của ngư dân về tầm quan trọng của thiết bị giám sát tàu cá đã được nâng lên rõ rệt. Mặc dù còn khó khăn nhưng ngư dân đã chủ động lắt đặt thiết bị giám sát cho tàu cá của mình.
Còn tại tỉnh Cà Mau, tính đến hết tháng 6/2020, toàn tỉnh có 1.250/1.690 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS (đạt gần 74%%). Trong đó, số tàu cá đã lắp đặt có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên gần 50 chiếc, số tàu cá đã lắp đặt có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đên dưới 24 mét là trên 1.200 chiếc. Ngoài ra, có 04 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét tự nguyện lắp đặt thiết bị VMS.
Những kết quả trên cũng phần nào cho thấy các địa phương trong cả nước đang rất nỗ lực trong việc gỡ bỏ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU nhằm tận dụng hiệu quả và triệt để các ưu đãi của EVFTA
Bảo Nguyên