Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tiếp tục gặp khó

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của Việt Nam. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu cao su nói chung – xuất khẩu sang Trung Quốc nói riêng sẽ tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy 6 tháng đầu năm 2020, nước ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 339,31 nghìn tấn cao su, đạt kim ngạch 435,11 triệu USD, giảm 12,1% về lượng và giảm 16,7% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.282 USD/tấn, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 5,2%.

Trong số 339,31 nghìn tấn cao su xuất khẩu sang Trung Quốc có đến 85,4% là cao su hỗn hợp của cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280), tương đương 289,84 nghìn tấn, đạt kim ngạch 378,2 triệu USD, tăng 1,6% về lượng, nhưng giảm 2,3% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.305 USD/tấn, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 3,9%.

Mặc dù nửa đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu cao su sang Trung Quốc có sự sụt giảm song một số chủng loại cao su xuất khẩu vẫn có sự gia tăng cả về lượng lẫn trị giá so với cùng kỳ năm ngoái như: cao su Latex (tăng 42,5% về lượng và tăng 31% về trị giá); SVR 20 (tăng 297,7% về lượng và tăng 275,8% về trị giá)…

Còn theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2020, quốc gia này nhập khẩu cao su đạt trị giá 4,68 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó Việt Nam là thị trường cung cấp cao su hỗn hợp lớn thứ 2 của Trung Quốc (kim ngạch đạt 451,26 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019), đồng thời cũng là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 của quốc gia này (kim ngạch đạt 53,05 triệu USD, giảm 59,6%).

Về giá cao su, do được hỗ trợ bởi các thông tin kinh tế tích cực từ Hoa Kỳ, Trung Quốc và thị trường kỳ vọng chính phủ Nhật Bản tăng cường kích thích kinh tế nên trong 10 ngày đầu tháng 8/2020, giá cao su có xu hướng tăng. Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác góp phần hỗ trợ giá cao su tăng như: mưa lớn tại nhiều bang trồng cao su của Ấn Độ khiến hoạt động khai thác mủ gián đoạn; kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi thể hiện qua Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 7/2020 đạt 51,1 điểm; kinh tế Hoa Kỳ cũng có dấu hiệu hồi phục trong tháng 7/2020.

Cũng như thị trường quốc tế, đầu tháng 8/2020 giá mủ cao su nguyên liệu tại thị trường trong nước có xu hướng tăng. Ngày 9/8/2020, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 260 đồng/TSC, tăng 5 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2020; giá thu mua mủ tạp ở mức 228 đồng/TSC, tăng 6 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2020.

Tuy nhiên Cục Xuất nhập khẩu đưa ra dự báo trong thời gian tới hoạt động xuất khẩu cao su nói chung – xuất khẩu sang Trung Quốc nói riêng sẽ tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể giá cao su khó giữ xu hướng tăng mạnh mà sẽ biến động trong biên độ hẹp…

Ngọc Đỉnh