Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản – Cơ hội nhiều, khó khăn không ít

7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 23,03 tỷ USD, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu còn khá khiêm tốn thì mục tiêu cán đích 43 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quả thực là thách thức không nhỏ đối với toàn ngành nông nghiệp.

Vướng rào cản

Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, trong tháng 7, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 3,55 tỷ USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, nông sản chính ước đạt 10,84 tỷ USD; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 388 triệu USD; thủy sản ước đạt 4,68 tỷ USD; lâm sản chính ước đạt gần 6,01 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong nhóm nông sản chính, mặc dù nhiều sản phẩm có khối lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước (cao su tăng 10,7%; gạo tăng 2,1%; điều tăng 13,3%; tiêu tăng 32,5%) song giá xuất khẩu một số sản phẩm lại đi theo chiều giảm sâu. Cụ thể, giá điều giảm tới 20,6%; tiêu giảm 25,2%; cà phê giảm 12%; gạo giảm 16%. Chính điều này đã khiến tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản 7 tháng đầu năm giảm tới 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNN) cho biết sước sang năm 2019, thị trường nông sản xuất khẩu của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, xuất phát từ 3 yếu tố. Đầu tiên, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thông qua có hiệu lực đã tạo ra một dư địa thị trường rất lớn, không gian thị trường rộng mở hơn, đồng thời tạo ra sự dịch chuyển về mặt nhu cầu, sự đòi hỏi về mặt chất lượng. Thứ hai, có những xung đột thương mại của các trục thị trường; những xung đột này không dễ tìm ra giải pháp chung song đã tác động tới thương mại thế giới, đặc biệt đối với Việt Nam. Thứ ba, những xung đột thương mại không chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế mà còn là cạnh tranh mang tính ảnh hưởng chính trị kinh tế và cả hợp tác quốc tế; điều này sẽ định hình lại những giá trị của khu vực, tác động những xu hướng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp

Bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu nông sản của các nước siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật, chính sách thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, về cấp chứng thư xuất khẩu, thanh kiểm tra chất lượng của nước xuất khẩu. Tất cả những yếu tố này sẽ tác động tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Và cũng tác động tới không gian thị trường xuất khẩu của chúng ta thời gian tới. Hàng hóa nông sản Việt Nam có cơ hội xuất khẩu đi nhiều nước khác nhau nhưng hàng của các nước cũng có cơ hội vào trong nước; điều này tạo ra sự cạnh tranh nhưng cũng là áp lực đối với các DN trong nước.

DN và nông dân phải thay đổi tư duy và cách làm

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, trong bối cảnh mới, để duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng, đầu tiên Việt Nam cần phải duy trì và giữ được các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ, EU; đồng thời cũng giữ được nhịp độ về tăng trưởng xuất khẩu. Một điểm đáng lưu ý là mở rộng danh mục các thị trường xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là trái cây và thủy sản, tem, nhãn sản phẩm phải đúng với yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Đó là những việc cần phải làm ngay đối với các thị trường truyền thống.

Đối với các thị trường mới, điều quan trọng hơn cả là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý chất lượng sản phẩm phải làm đúng các tiêu chuẩn từ khâu chế biến, nuôi trồng, đóng gói và minh bạch hóa các chỉ tiêu chất lượng hàng nông sản xuất khẩu. Vấn đề kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, mã vùng nuôi trồng, hay đơn giản như quy cách về bao bì nhãn mác, phương thức xuất khẩu, hồ sơ DN đều không được lơ là. Việc xâm nhập thị trường mới phải có quy trình và cách làm bài bản, từ khâu mở cửa thị trường dựa trên những lợi thế của nông sản Việt.

Về phía các DN và người nông dân, để phát huy lợi thế xuất khẩu nông sản của mình, bà con phải căn cứ vào thị trường, làm theo hướng dẫn của thị trường. DN cũng phải đi trước một bước, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật, có bộ phận thăm dò và tìm hiểu thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm làm ra. “Thông tin thị trường cần có sự thông suốt, có sự tham gia cả cơ quan truyền thông để quảng bá về hàng hóa nông sản xuất khẩu để thị trường nhập khẩu hiểu về chúng ta đang cơ cấu, biết đến sản phẩm của chúng ta là tốt nhất” – ông Toản nhấn mạnh.

Ngọc Anh