Xuất khẩu gỗ dán – Ưu tiên khắc phục tình trạng “chảy máu” nguồn nguyên liệu
Dù là ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu rất lớn song ngành gỗ dán đang phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là tình trạng “chảy máu” nguồn nguyên liệu ván bóc sang thị trường Trung Quốc đẩy các doanh nghiệp gỗ trong nước vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng…
Tiềm năng xuất khẩu lớn….
Những năm gần đây xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Thống kê từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy nếu như năm 2015 xuất khẩu gỗ dán chỉ đạt 724.000 m3 với giá trị khoảng 200 triệu USD thì đến năm 2020 xuất khẩu mặt hàng này đã tăng lên 2,09 triệu m3, kim ngạch đạt 659,74 triệu USD. Hiện có tới 72 quốc gia, vùng lãnh thổ tiêu thụ gỗ dán Việt Nam nhưng thị trường xuất khẩu chủ lực chỉ tập trung vào 5 nước (Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan), chiếm trên 84% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam trong năm 2020.
Với tính ứng dụng cao, gỗ dán không chỉ được sử dụng để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các mặt hàng đồ gỗ mà còn làm vật liệu trong ngành xây dựng, ván sàn. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trung bình mỗi năm thế giới chi ra khoảng 16-17 tỉ USD để nhập khẩu mặt hàng này, với lượng nhập khoảng 32-34 triệu m3 và nhu cầu tiêu dùng gỗ dán được dự báo ngày càng tăng. Riêng tại Việt Nam, với xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các vật liệu ván công nghiệp, dự báo ngành sản xuất gỗ dán của Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Đón đầu cơ hội này, số lượng doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gỗ dán ngày càng tăng với khoảng hơn 340 doanh nghiệp tính đến hết năm 2020. Trong năm có khoảng 20 nhà máy với quy mô lớn – nhỏ đã đi vào sản xuất gỗ dán hoặc đang xây dựng nhà máy mới tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng bị lĩnh vực tiềm năng này cuốn hút. Theo đó trong năm 2020, Việt Nam đã tiếp nhận 2 dự án mới đi vào sản xuất mặt hàng gỗ dán với mức vốn đầu tư trên 14 triệu USD, công suất dự kiến 100.000 m3/năm.
…Nhưng thách thức không nhỏ
Tiềm năng tăng trưởng thì không còn gì phải bàn cãi, tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành sản xuất đồ gỗ nói chung – sản xuất gỗ dán nói riêng chính là thiếu nguyên liệu đầu vào do sản lượng rừng trồng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Đặc biệt thực trạng “chảy máu” nguồn nguyên liệu ván bóc sang thị trường Trung Quốc đẩy các doanh nghiệp gỗ trong nước vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng…
Xoay quanh vấn đề này, ông Vũ Quang Huy – Chi hội trưởng Chi Hội gỗ dán cho biết hiện Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trên thị trường xuất khẩu gỗ dán toàn cầu; đồng thời cũng là quốc gia cung cấp gỗ dán hàng đầu thế giới, chiếm trên 30% thị phần toàn cầu cả về lượng lẫn giá trị. Điều quan trọng là việc xuất khẩu gỗ ván bóc sang Trung Quốc đang gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, làm giảm sức cạnh tranh của ngành gỗ dán trong nước.
Bên cạnh thiếu thốn nguồn nguyên liệu đầu vào, không thể không kể đến các rủi ro từ khâu nguyên liệu gỗ rừng trồng đầu vào cho tới khâu sản xuất ván bóc; rủi ro trong khâu từ sản xuất ván bóc tới gỗ dán. Rủi ro trong khâu này đồng nghĩa với rủi ro trong tất cả các khâu còn lại của chuỗi cung, bao gồm cả các chuỗi cung ứng sử dụng gỗ dán làm nguồn nguyên liệu đầu vào. Cùng với đó là rủi ro đến từ nguồn nguyên liệu gỗ dán nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc rồi sau đó được gắn mác sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác.
Để khắc phục tình trạng “chảy máu” nguồn nguyên liệu, bên cạnh đề xuất áp giá tối thiểu với sản phẩm ván bóc xuất khẩu làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn, gỗ mỡ, gỗ bồ đề rừng trồng và ván bóc sản xuất từ cao su; tăng thuế xuất khẩu mặt hàng ván bóc HS 4408 lên 25%, ông Vũ Quang Huy cũng đồng thời đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ hồ sơ nguồn gốc ván bóc xuất khẩu để bảo vệ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước, tạo đà phát triển ngành gỗ dán. Về phía các cơ quan quản lý có liên quan cần tăng cường kiểm tra giám sát đối với cả các doanh nghiệp sản xuất nội địa lẫn các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty có nguồn vốn sở hữu từ Trung Quốc.
Quang Anh