Xuất khẩu đồ phòng dịch vào thị trường EU, Mỹ – Những điều cần lưu ý

Hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các lợi ích từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững Việt Nam (IDH) tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn và giải đáp quy định về CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường) và FDA (quy định giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành)”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết dịch Covid-19 đã đẩy nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rơi vào khó khăn, trong đó có các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên “trong cái khó ló cái khôn”, các doanh nghiệp trong ngành đã nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập, đảm bảo công ăn  việc làm cho người lao động trong mùa dịch. “Tuy nhiên khi xuất khẩu khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế vào thị trường EU, Mỹ; các doanh nghiệp cần nhận thức rõ tầm quan trọng của các chứng nhận về sự phù hợp cũng như công tác đảm bảo chất lượng sản phẩm. Về lâu dài, doanh nghiệp cần thận trọng nghiên cứu về quy trình nghiêm ngặt theo quy định của nước muốn xuất khẩu trước khi sản xuất, lưu hành” – ông Hải khuyến nghị.

Cũng theo Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải, hiện nay do dịch bệnh vẫn đang lây lan trên diện rộng nên thị trường thế giới có nhu cầu rất cao đối với các mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế. Tuy nhiên dự báo thời điểm cuối năm, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này cũng sẽ sụt giảm. Chính vì vậy nắm bắt cơ hội các nước vẫn đang dồn lực phòng chống dịch, chưa thể tái sản xuất trở lại, các doanh nghiệp Việt cần tập trung đầu tư vào sản xuất xuất khẩu đồ phòng dịch để đáp ứng nhu cầu rộng lớn tại các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội vàng này để thâm nhập và chinh phục các thị trường tiềm năng như châu Âu, châu Mỹ. “Hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết và đang chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Để có thể đón đầu các cơ hội to lớn mà Hiệp định mở ra, các doanh nghiệp Việt cũng cần nắm chắc những quy định về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU để đảm bảo khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định này” – ông Hải cho hay.

Tại Hội thảo, chuyên gia của các tổ chức chứng nhận quốc tế đã dành thời gian giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp liên quan đến chứng nhận CE tại thị trường EU và chứng nhận FDA tại thị trường Hoa Kỳ; quy trình, thủ tục để lấy chứng nhận CE, FDA. Bà Trần Thanh Thuỷ Tiên – Chuyên gia thử nghiệm của Công ty SGS Việt Nam cũng giải đáp thêm về các thông số, ký hiệu, thông tin, chỉ tiêu của các loại khẩu trang hiện có trên thị trường; qua đó giúp các doanh nghiệp có thể tìm ra hướng sản xuất phù hợp để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường khác nhau.

Về phía bà Dương Phong Hiền – Trưởng đại diện Eurofins tại Hà Nội cũng đã dành thời gian phân tích, giải đáp cặn kẽ các tiêu chuẩn đối với từng loại mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch (khẩu trang y tế, khẩu trang bảo hộ, khẩu trang vải, bộ phòng dịch…) cũng như yêu cầu thử nghiệm tại thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia có mặt tại Hội thảo, ngay từ bây giờ Việt Nam cần sớm hoàn thiện thêm các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng các sản phẩm khẩu trang, đồ bảo hộ; từ đó tạo điều kiện thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dệt may Việt Nam với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Kim Phương