Xuất khẩu cá tra sang Brazil – Cơ hội rộng mở, khó khăn không ít…

Từ đầu năm đến nay, trong khi xuất khẩu cá tra sang các thị trường chủ lực như EU, Trung Quốc, Mỹ…gặp khó thì xuất khẩu cá tra sang Brazil lại ghi nhận kết quả tăng trưởng ấn tượng.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 7/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil đạt 35,5 triệu USD, tăng đến 86,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện có gần 20 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này, trong đó lớn nhất là Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (SOUTH VINA – Cần Thơ); Công ty CP Thủy sản Hải Hương (HH FISH – Bến Tre), Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex II (CADOVIMEX II – Đồng Tháp)

Còn nhớ hồi năm ngoái, đại dịch Covid-19 đã tấn công đất nước Brazil, đưa nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh trở thành một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề và là quốc gia có số người chết cao thứ 2 (chỉ sau Mỹ). Tuy nhiên chỉ một năm sau nhờ chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc đã giúp Brazil đẩy lùi được dịch bệnh, nhiều thành phố, thủ phủ của các bang tại đất nước này dần hồi sinh một cách kỳ diệu.

Tỷ lệ thuận với tốc độ phục hồi của nền kinh tế Brazil, 6 tháng đầu năm 2021, doanh số bán thủy sản, thực phẩm đông lạnh của nước này đã tăng lên đáng kể, nhất là các sản phẩm tiện lợi giúp người dân giảm thời gian chế biến cũng như giảm số lượt phải đến mua tại các cửa hàng, siêu thị.

Hiện nay nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản đông lạnh giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe (cá tra) của người dân Brazil là rất lớn. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm có chất lượng tốt, có lợi cho sức khỏe và giàu năng lượng, bất kể là sản phẩm chế biến hay đông lạnh. Đây được xem là cơ hội vàng để các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam phát triển sang thị trường này.

Không riêng thị trường Brazil mà cơ hội cho xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn khác cũng rất rộng mở, đặt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhiều quốc gia đang dần phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp cá tra tại ĐBSCL đang trong giai đoạn buộc phải giảm tối đa công suất chế biến nên khó có thể đáp ứng được nhu cầu. Để có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội có được đòi hỏi doanh nghiệp phải ổn định lại sản xuất và không chật vật lo chống đỡ dịch bệnh.

Về tình hình sản xuất, theo ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết hiện các doanh nghiệp đang trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhất là việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Đối với các doanh nghiệp có vị trí, mặt bằng rộng thì có thể đảm bảo được điều kiện, còn lại đa phần đều lâm vào bế tắc.

Còn về tình hình xuất khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ: “Tồn kho nhiều buộc doanh nghiệp phải bán rẻ để lấy vốn tái sản xuất và chi trả nhân công. Chịu đựng từ cuối năm 2019 đến nay, bao nhiêu thứ tăng, nghe số liệu xuất khẩu mừng vậy thôi chứ hiệu quả thì phải xem lại. Một kg cá tra nguyên liệu hiện nay khoảng 22.000 đồng, mặc dù tăng so với hồi cuối năm ngoái (17-18.000 đồng/kg) nhưng giá thành hiện ít nhất cũng 24.000 đồng/kg”.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, để đảm bảo điều kiện sản xuất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là công nhân phải được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Ngoài ra do tác động kéo dài của dịch bênh nên doanh nghiệp đang trong tình trạng kiệt quệ về tài chính, sản xuất kinh doanh đình trệ rất cần được Nhà nước hỗ trợ về mặt tín dụng (tăng hạn mức, kéo dài thời gian), miễn giảm về thuế, phí…. “Nếu được Đảng, Nhà nước đồng hành tiếp sức, chắc chắn các doanh nghiệp doanh nghiệp sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từng bước ổn định và tái phục hội hoạt động sản xuất kinh doanh như trước” – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Hòa Binh