Xu hướng thu hẹp quy mô nợ nhóm 5 của các ngân hàng trong quý 4 và cả năm 2021
Báo cáo tài chính quý 4/2021 cho thấy trong số 27 ngân hàng được khảo sát có nhiều ngân hàng có nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh. Xu hướng này có sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách cho phép giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước cũng như việc đẩy mạnh sử dụng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu của các ngân hàng…
Cụ thể trong 3 tháng cuối năm 2021, BIDV là ngân hàng giảm được nhiều nợ nhóm 5 nhất trong tổng số 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán khi xử lý được 6.901 tỷ đồng, tương đương giảm gần 50%. Tính chung cả năm 2021, nợ có khả năng mất vốn của BIDV giảm chỉ còn 6.979 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cuối năm 2020. Có được thành công này là nhờ ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu trong năm 2021 thông qua việc liên tục rao bán các khoản nợ khó đòi; đồng thời sử dụng gần 19.345 tỷ đồng quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu.
Cũng như BIDV, trong quý cuối năm Vietcombank cũng giảm được gần 1.868 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn. Tuy nhiên so với hồi đầu năm nợ nhóm 5 của ngân hàng này vẫn tăng thêm 2% (73 tỷ đồng). Để xử lý nợ xấu, trong năm 2021 Vietcombank thực hiện trích lập dự phòng với số dư sử dụng lên tới 2.538 tỷ đồng.
Về phía nhóm ngân hàng tư nhân, trong quý 4/2021 nợ có khả năng mất vốn của SHB chỉ còn hơn 2.500 tỷ đồng, giảm gần 50%. Lũy kế năm 2021, nợ nhóm 5 của SHB giảm được hơn 1.300 tỷ đồng, tương đương 34%.
Trong quý cuối năm VIB cũng giảm mạnh được nhóm nợ xấu và đến cuối tháng 12/2021, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này chỉ còn 733 tỷ đồng, giảm tới 885 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2021. Lũy kế cả năm 2021, nợ nhóm 5 của ngân hàng này giảm 861 tỷ đồng, tương đương giảm 54%. Để xử lý nợ xấu, trong năm qua VIB thực hiện trích lập dự phòng với số dư sử dụng lên tới hơn 915 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2020.
Các ngân hàng khác như HDBank, ABBank, MSB, VietCapital Bank….cũng có nợ nhóm 5 giảm mạnh trong quý 4/2021. Cụ thể HDBank giảm được 272 tỷ đồng, ABBank 156 tỷ đồng, MSB giảm 147 tỷ đồng, VietCapital Bank giảm 133 tỷ đồng…
Tuy nhiên trong số 27 ngân hàng được khảo sát vẫn có 7 ngân hàng có nợ nhóm 5 tăng cao trong 3 tháng cuối năm 2021. Một điều bất ngờ đây đều là những ngân hàng lớn, được thị trường đánh giá cao về chất lượng tài sản, trong đó: VietinBank ghi nhận thêm 1.659 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ nhóm 5 lên mức hơn 5.200 tỷ đồng; Viet A Bank ghi nhận thêm 369 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ nhóm 5 tăng gần gấp đôi lên 432 tỷ đồng. Tương tự Techcombank cũng ghi nhận thêm 312 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, Sacombank ghi nhận thêm 227 tỷ đồng, VietBank ghi nhận thêm 269 tỷ đồng, Bac A Bank ghi nhận thêm 250 tỷ đồng, SeABank ghi nhận thêm 36 tỷ đồng.
Lũy kế đến ngày 31/12/2021, tổng nợ có khả năng mất vốn của 27 ngân hàng được khảo sát ở mức hơn 42.000 tỷ, giảm hơn 10.200 tỷ đồng so với cuối quý 3/2021 và giảm hơn 13.750 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Như vậy tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn trên tổng dư nợ của các ngân hàng đã giảm mạnh từ mức 0,87% hồi đầu năm, 0,75% trong quý 3 xuống còn 0,58% trong cả năm 2021 và xu hướng thu hẹp quy mô nợ nhóm 5 này có sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách cho phép giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra việc đẩy mạnh sử dụng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu cũng giúp nhiều ngân hàng thu hẹp quy mô nợ có khả năng mất vốn, đặc biệt là trong quý 4.
Việt Dũng