Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển thị trường khu vực châu Á – châu Phi

Vượt lên trên các khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á – châu Phi năm 2021 đạt 444 tỷ USD, tăng 22,38% so với năm 2020, đóng góp 67,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Những con số ấn tượng này là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các ban ngành liên quan.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường châu Á – châu Phi năm 2021 đạt 165,9 tỷ USD, tăng 14,62% so với năm 2020, chiếm 50,2% xuất khẩu của Việt Nam ra toàn thế giới. Trong đó dẫn đầu là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,29 tỷ USD; theo sau là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch ước đạt 27,32 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với kim ngạch ước đạt 13 tỷ USD; hàng dệt may với kim ngạch ước đạt 10,6 tỷ USD).

Các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam trong khu vực này đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần vào sự tăng trưởng tích cực của xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 56 tỷ USD, tăng 14,51% so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 21,7 tỷ USD, tăng 13,61%; kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 3%; kim ngạch xuất khẩu sang khu vực ASEAN ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 23,6%….

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực thị trường châu Á – châu Phi góp phần quan trọng đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2021 ước đạt 278,35 tỷ USD, tăng 27,52% so với năm ngoái, chiếm 84,3% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Trong đó dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 64,7 tỷ USD; theo sau là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 40,7 tỷ USD; nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 20,7 tỷ USD; nhóm hàng vải các loại với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,7 tỷ USD; nhóm hàng sắt thép các loại với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD; nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,39 tỷ USD…

Bước sang năm 2022, dự báo dòng chảy thương mại của Việt Nam với thị trường khu vực châu Á – châu Phi nói riêng, các thị trường trên thế giới nói chung sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới làm gia tăng tình trạng lây lan, thách thức nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Nhiều thị trường đồng loạt siết chặt các biện pháp kiểm soát người và hàng hóa tại các cửa khẩu và cảng biển. Chưa kể nhu cầu hàng hóa của khu vực sản xuất và người tiêu dùng dù có thể phục hồi ở mức trước đại dịch song lại khó đạt mức tăng trưởng đột biến.…Đây thực sự là những lực cản không nhỏ cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nói chung – Việt Nam nói riêng.

Bộ Công Thương cho biết để vượt qua những khó khăn trên, Bộ sẽ tiếp tục quán triệt, bám sát các chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, của Chính phủ về việc đảm bảo hoạt động sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, không ngừng mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung từ thị trường nhập khẩu, tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển thị trường khu vực châu Á – châu Phi trong thời gian tới.

Theo đó Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thương mại song phương và hợp tác tiểu vùng của Việt Nam với các đối tác trong khu vực nhằm đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất nhập khẩu hướng tới mục tiêu phát triển thương mại bền vững của Việt Nam. Tiến hành giao thiệp ở các cấp với các đối tác nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động thương mại thông suốt, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch; đồng thời thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết như ACFTA, VKFTA, VJEPA, RCEP, CPTPP… ; tích cực khai thác các cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước trong Hiệp định RCEP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022).

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, hướng dẫn tiếp cận thị trường…, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương, tham dự hội chợ, triển lãm, trong đó đa dạng hóa các hình thức tổ chức và thực hiện, kết hợp giữa hoạt động trực tuyến và trực tiếp; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thương mại, xúc tiến thương mại. Nâng cao năng lực của doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước và chủ động nghiên cứu đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước.

Ngoài ra Bộ cũng sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ/Chi nhánh thương vụ và Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại thị trường nước ngoài kịp thời thông tin về tình hình thị trường, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Nguyệt Anh