Xây dựng thương hiệu du lịch chung cho TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 14-12, tại Bạc Liêu đã diễn ra sự kiện ‘lịch sử’: lần đầu tiên Chủ tịch UBND TP.HCM ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 với Chủ tịch UBND 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL cần xây dựng một thương hiệu du lịch chung để giới thiệu đến du khách quốc tế.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại đền thờ Bác Hồ ở Bạc Liêu trong chuyến tham dự lễ ký kết hợp tác du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL.

Ý tưởng này được nêu lên tại Hội nghị Lãnh đạo TPHCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần II năm 2019, tổ chức ở thành phố Bạc Liêu, ngày 14/12.

Đây là hội nghị thứ 2 được tổ chức về chủ đề này trong vòng 3 tháng sau hội nghị lần thứ nhất diễn ra ngày 5/9/2019 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM 2019.

Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, mặc dù có tiềm năng rất phong phú nhưng nhìn chung du lịch toàn vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao; thiếu các nơi có đẳng cấp chất lượng quốc tế; sản phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng.

Để phát triển du lịch một cách bền vững, các địa phương cần tăng cường đầu tư trong chương trình liên kết, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp lớn trên địa bàn TPHCM đầu tư vào du lịch vùng ĐBSCL.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dẫn số liệu cho thấy năm 2018, lượng du khách đến ĐBSCL đạt 40 triệu lượt, tăng 17%; trong đó du khách quốc tế đến ĐBSCL đạt 3,7 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2017 và tổng doanh thu toàn ngành du lịch đạt 24 tỷ đồng. Riêng 10 tháng của năm 2019, tổng lượng khách cả vùng ĐBSCL đạt 32 triệu lượt, trong đó có 5,5 triệu khách quốc tế.

Mặc dù có sự tăng trưởng vượt bậc về du khách, doanh thu nhưng lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận sức hút của du lịch ở vùng này còn hạn chế so với tiềm năng thiên nhiên, văn hóa, con người.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty Vietravel nêu ý tưởng xây dựng một thương hiệu du lịch chung để giới thiệu đến du khách quốc tế với “Mekong Delta”. Thực tế, du khách nước ngoài mỗi khi nói đến vùng ĐBSCL thường dùng tên gọi “Mekong Delta” để giới thiệu điểm đến này. Đối với du lịch nội địa, có thể dùng thương hiệu du lịch chung là “Hương sắc Nam bộ”, bởi đây là đặc trưng của vùng ĐBSCL so với các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Ngoài ra, các tỉnh ĐBSCL có thể phát triển thêm du lịch ẩm thực và du lịch thể thao.

“Nên chăng các tỉnh, thành phố ĐBSCL cần ngồi lại xây dựng thương hiệu du lịch ẩm thực Nam bộ, trong đó mỗi tỉnh có thể đăng cai sự kiện “Ẩm thực Nam bộ” một năm để tạo sự kiện, điểm nhấn thu hút du khách hàng năm. Vùng Nam bộ hiện nay ít có các sự kiện thể thao để thu hút du khách, hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Kỳ kiến nghị thêm.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc liên kết du lịch giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL phải khai thác được các tiềm năng lẫn nhau. Đơn cử, sản phẩm du lịch chủ yếu của TPHCM là du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, mua sắm) còn thế mạnh du lịch của ĐBSCL là miệt vườn, biển đảo, văn hóa đặc trưng… vì vậy, cần liên kết hai sản phẩm du lịch này trong kế hoạch xây dựng chương trình du lịch cụ thể. Trong đó, mục tiêu đặt ra từ việc liên kết là tăng chi tiêu bình quâ, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới các tỉnh.

Ngoài ra, cần tạo dựng một thương hiệu chung về du lịch của TPHCM và ĐBSCL để giới thiệu dễ dàng, ấn tượng đến du khách thay vì những thương hiệu riêng lẻ lại trùng lặp. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù; đặc biệt là cần kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng để thực hiện chương trình hợp tác, trong năm 2020 cần thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tập trung đẩy nhanh kết nối về mặt giao thông trong cả bốn phương thức (đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không), ưu tiên phát triển các loại hình du lịch đường thủy – một trong các lợi thế của vùng ĐBSCL và mở rộng đường hàng không (đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành).

Thứ hai, đẩy mạnh hình thành những sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng của vùng, tạo sự khác biệt rõ nét với các vùng du lịch phía Bắc và miền Trung (tập trung khai thác các giá trị văn hóa của TP.HCM và ĐBSCL).

Thứ ba, liên kết trong công tác quảng bá, truyền thông cần phải đi vào cụ thể và có sản phẩm chung (hội chợ du lịch quốc tế của TP.HCM tháng 9 hằng năm, bố trí một gian hàng chung giới thiệu về du lịch vùng).

Thứ tư, phát triển du lịch trong xu hướng của du lịch thông minh và du lịch xanh và TP.HCM sẽ đặt trọng trách là đầu tàu trong phát triển đô thị thông minh, du lịch thông minh, hình thành mô hình mẫu để thực hiện các hình thức tư vấn, chuyển giao đến 13 tỉnh thành ĐBSCL.

Cuối cùng, sự liên kết phát triển du lịch phải đảm bảo tính bền vững (phát triển du lịch không tách rời nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân mỗi địa phương, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch; bảo vệ môi trường sống, bảo tồn các di sản…).

Khánh Hòa