Xây dựng ‘đại lộ’ thông thoáng cho dòng vốn FDI từ các FTA

Theo các chuyên gia kinh tế, các FTA như: CPTPP, EVFTA, EVIPA, RCEP… sẽ tạo nên sức hút cũng như mở ra cơ hội rất lớn để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, nước ta cần nhanh chóng có giải pháp khơi thông cho dòng chảy này.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có xu hướng gia tăng mạnh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 20/3, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay đã có nhiều nhà đầu tư rót vốn vào nước ta, với các dự án như dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký hơn 3,1 tỷ USD, tại Long An; dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), với tổng vốn đăng ký hơn 1,31 tỷ USD, tại Cần Thơ… Nhiều tập đoàn lớn như Apple, Foxconn, Luxshare… đang triển khai kế hoạch gia tăng đặt hàng nhà cung ứng và hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Theo dự báo, tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn mức 28,5 tỷ USD (vốn đăng ký) và 19,98 tỷ USD (vốn thực hiện) như mục tiêu đã đề ra. 

Kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.

Đơn cử như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các chuyên gia đánh giá, mặc dù thu hút FDI từ CPTPP thời gian qua mức tăng chưa được như tiềm năng, song chúng ta có thể hoàn toàn lạc quan kỳ vọng mức tăng trưởng bứt phá trong thời gian tới. Bởi vì các cam kết mở cửa thị trường trong CPTPP phần lớn đều có lộ trình dài nên cần có thời gian để tăng tốc.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CPTPP sẽ tiếp tục góp phần tạo ra sức hấp dẫn riêng của Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc do tác động căng thẳng thương mại Mỹ – Trung cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, hiện các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của nước ta. Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA) có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, đồng thời cũng là một trong những hiệp định toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển.

Hơn thế nữa, các nhà đầu tư EU hướng tới mục tiêu khai thác tài nguyên, nhiên vật liệu và lao động giá rẻ, cộng thêm việc nhiều sản phẩm xuất khẩu từ EU sang Việt Nam được giảm thuế, doanh nghiệp EU sang đầu tư ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi không chỉ từ thuế của nước mới mở cửa cho Việt Nam giảm xuống mà chúng ta cũng dành rất nhiều ưu đãi cho FDI… Do vậy, các chuyên gia đánh giá hiệp định này sẽ là chất kích thích rất mạnh mẽ để các nhà đầu tư EU rót vốn vào Việt Nam trong thời gian ngắn ngay sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết.

Còn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được nhận định sẽ giúp Việt Nam có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi hiện nay Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia… đều đang tăng tốc đầu tư ra nước ngoài để mở rộng chuỗi sản xuất và cung ứng. Trong khi đó, quốc gia rất gần kề là Việt Nam lại đang được đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn; đặc biệt chúng ta đang xây dựng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Do đó, cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư từ các nước thành viên RCEP vào nước ta là vô cùng lớn trong thời gian tới.

Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hút dòng vốn FDI chảy từ các đối tác thành viên FTA, song nếu không kịp thời thay đổi và nắm bắt hiệu quả thì chúng ta sẽ để lỡ khoảng thời gian vàng này. Bởi lẽ hiện vẫn còn rất nhiều bất cập trong chính sách, cơ chế, cản trở dòng chảy FDI.

 Kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.

Ví như với CPTPP, VCCI cho hay, sau 2 năm hiệp định này có hiệu lực, phần lớn các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực thi CPTPP đều ban hành bị chậm hơn so với yêu cầu cam kết từ 15 ngày – 20 tháng.

Bên cạnh đó, mới đây, trong báo cáo PCI 2020 cũng đã chỉ ra một số vấn đề mà các nhà đầu tư còn quan ngại. Đó là hệ thống thủ tục, quy định, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công của nước ta còn kém so với các đối thủ. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI “kêu” nhiều về lĩnh vực hệ thống thủ tục, quy định và cơ sở hạ tầng, quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa, đơn giản hóa các thủ tục hành chính…

Còn đối với dòng vốn FDI từ EU, theo các chuyên gia, FDI của EU vẫn tập trung tận dụng nguồn lao động giá rẻ để thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến sản phẩm bán trong nước và xuất khẩu… Trong khi đó, số lượng dự án trong các lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm thu hút như các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính ngân hàng…vẫn ít.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng tranh thủ khoảng thời gian “vàng” đến từ việc sớm ký kết FTA với EU, khi các nước đối thủ chưa có FTA với EU. Bởi lợi thế này có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn mà thôi.

Mặt khác, đối với các nhà đầu tư Mỹ, EU yếu tố về công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương quyền, sáng chế, phát minh, chống hàng lậu, hàng nhái, hàng giả…rất quan trọng. Nên Việt Nam cần giải quyết thỏa đáng các điều kiện này để gỡ được nút thắt về tâm lý e ngại của nhà đầu tư.

Tố Uyên (Thời báo tài chính Việt nam)