WHO cảnh báo thế giới không nên chủ quan, vaccine Covid-19 chỉ là một công cụ đối phó với đại dịch

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo các quốc gia trên thế giới không nên lơ là, mất cảnh giác trước đại dịch Covid-19 kể cả khi có vaccine bởi tiêm phòng không phải là giải pháp hữu hiệu giúp đẩy lùi dịch bệnh.

Ngược lại việc có vaccine và tiến hành chủng ngừa sẽ chỉ góp phần bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho bộ các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này mà thôi

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng Giám đốc WHO cảnh báo mặc dù việc tìm ra vaccine mang lại niềm hy vọng cho cả thế giới song vô hình trung điều này cũng khiến người dân thế giới thêm phần chủ quan, tự mãn rằng đại dịch đang qua đi. Mọi chuyện chưa thể kết thúc trong êm đẹp; thế giới sẽ phải tiếp tục chống chọi với đại dịch thêm một thời gian dài nữa.

Tình hình dịch bệnh trong ngắn hạn cũng như thời điểm dịch bệnh kết thúc sẽ phụ thuộc vào quyết định sáng suốt của các nhà lãnh đạo cũng như của người dân trong những ngày tới. Các quyết định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống và cái chết của mỗi người dân cũng như thân nhân của họ.

Thống kê của WHO cho thấy hiện có khoảng 51 vaccine Covid-19 đang được thử nghiệm trên người, trong số này có 13 vaccine đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn. Ngoài ra còn có khoảng 163 vaccine đang được nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.

Ông Michael Ryan – Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO bày tỏ tin tưởng các vaccine Covid-19 mới đã được chứng minh hiệu quả cũng như những vaccine đang phát triển sẽ làm nên kỳ tích bởi trước đó đã có nhiều loại vaccine làm thay đổi thế giới và xoay chuyển cục diện các dịch bệnh

Khi công cuộc nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 sắp về đích; rất nhiều quốc gia đã đặt mua vaccine và lên kế hoạch chủng ngừa cho người dân. Đơn cử Israel thông báo đã ký kết thỏa thuận mua 6 triệu liều vaccine – gấp 3 lần số lượng trong thỏa thuận ban đầu từ công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ. Một quy trình chủng ngừa đầy đủ bao gồm 2 liều, điều này đồng nghĩa với 6 triệu liều vaccine vừa ký thỏa thuận mua sẽ giúp Israel có đủ vaccine để tiêm cho 3 triệu người dân. Trước đó hồi tháng 11, Israel cũng đã ký thỏa thuận đặt mua 8 triệu liều vaccine của Pfizer và BioNTech, bàn giao đầu năm 2021.

Ở thời điểm hiện tại, để phục vụ phân phối vaccine, đặc biệt là những loại vaccine cần được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, các công ty Mỹ đang dồn lực chuẩn bị cho công tác hậu cần: hãng chế tạo ô tô Ford đặt mua các thiết bị trữ đông riêng để chuẩn bị tiếp nhận vaccine chủng ngừa cho nhân viên; hãng chế biến thịt Smithfield tuyên bố dùng phòng lạnh tại các lò mổ để phục vụ chiến dịch phân phối vaccine….

Về phía các công ty chuyên tư vấn về thùng xe lạnh cũng không bỏ qua cơ hội, nhanh chóng khởi động cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt trong nhiều ngày qua. Hãng vận tải và hậu cần hàng đầu của Mỹ UPS đã nâng công suất làm đá khô lên khoảng 500kg/giờ và cũng đã phát triển các loại thiết bị trữ đông cầm tay có thể bảo quản vaccine ở nhiệt độ từ âm -20 đến -80 độ C.

Linh Lan