WHO cảnh báo những biện pháp phản khoa học trong phòng tránh dịch Covid-19
Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát và ngày càng lan rộng, việc cung cấp cho người dân các thông tin hữu ích, chính xác về dịch bệnh thế kỷ này là vô cùng cần thiết. Mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật thông tin xác thực giải đáp các thắc mắc của người dân về Covid-19, tránh những hiểu lầm tai hại xoay quanh việc ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Máy sấy tay không tiêu diệt được Covid-19
Có tin đồn rằng không khí nóng từ máy sấy tay trong 30 giây sẽ loại bỏ mọi dấu vết của virut Covid-19 trên tay. Tuy nhiên WHO khẳng định thông này là không đúng, máy sấy tay đơn thuần không thể tiêu diệt được virus corona.
Để bảo vệ bản thân trước virus coronavirus mới, đầu tiên mọi người nên chú trọng việc rửa sạch tay bằng cách xoa tay với cồn hoặc rửa tay bằng xà phòng và nước. Sau khi đã rửa sạch tay, nên lau khô bằng khăn giấy hoặc máy sấy không khí ấm để làm khô tay.
Đèn khử trùng bằng tia cực tím không thể sát trùng da
Không nên sử dụng đèn cực tím, chiếu tia cực tím để khử trùng tay hoặc các vùng da khác bởi chúng hoàn toàn không có tác dụng sát trùng da mà còn có thể gây kích ứng da. Về lâu dài, bức xạ cực tím có thể làm tổn thương AND trong các tế bào, từ đó dẫn đến ung thư.
Phun rượu/clo lên người không diệt được Covid-19
Khi Covid-19 đã xâm nhập vào trong cơ thể, việc phun các chất như rượu/cồn hoặc clo lên khắp cơ thể không thể diệt được virut. Nguy hiểm hơn, việc xịt những chất này lên người có thể làm tổn thương màng nhầy của cơ thể tại các vị trí như mắt, miệng và gây hại cho quần áo. “Rượu và clo đều có thể hữu ích để khử trùng bề mặt nhưng chúng cần được sử dụng theo đúng khuyến nghị” – WHO khẳng định
Vắc-xin chống viêm phổi không bảo vệ chống lại Covid-19
Dù các bệnh nhân nhiễm Covid-19 thường viêm phổi song vắc-xin viêm phổi, bao gồm vắc-xin phế cầu và vắc-xin cúm B (Hib) sẽ không có tác dụng với Covid-19. Virus này rất mới nên sẽ cần một loại vắc-xin riêng biệt và hiện các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới vẫn đang chạy đua để phát triển loại vắc-xin này với sự hỗ trợ của WHO.
Dù không có khả năng phòng ngừa Covid-19 song WHO khuyến cáo người dân nên tiêm các loại vắc xin chống các bệnh về đường hô hấp để bảo vệ sức khoẻ.
Máy đo thân nhiệt không phải lúc nào cũng phát hiện được người nhiễm Covid-19
Máy đo thân nhiệt chỉ có hiệu quả trong việc phát hiện những trường hợp nhiễm Covid-19 có biểu hiện sốt, chúng hoàn toàn không thể phát hiện được những người bị nhiễm nhưng chưa bị sốt. Trong khi đó có rất nhiều người nhiễm bệnh nhưng chưa sốt do thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, ở một số người thời gian ủ bệnh lên đến 14 ngày; đó là chưa kể những trường hợp không có triệu chứng.
Xuân An