Từ sau Tết Nguyên đán, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc gặp khó

Với kim ngạch đạt 2,43 tỷ USD, chiếm tới 64,8% tổng trị giá xuất khẩu rau quả trong năm 2019, Trung Quốc luôn dẫn đầu danh sách các thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2020, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường chủ lực này lại giảm mạnh do tác động của dịch Covid – 19.  

Tháng 1/2020: Xuất khẩu rau quả giảm mạnh do chịu tác động bởi dịch Covid- 19

Cụ thể theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam trong tháng 1/2020, Trung Quốc là thị trường có tốc độ xuất khẩu giảm mạnh thứ 2 (chỉ sau Hà Lan) với kim ngạch 173,5 triệu USD, giảm 32,4% so với tháng 1/2019.

Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết trong khi xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khác (Thái Lan, Lào, Đài Loan, Nga) tăng rất mạnh trong tháng 1/2020 thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại gặp khó. Cụ thể trong tháng 1/2020, tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ còn 61,8%, giảm mạnh so với mức 72,6% trong tháng 1/2019.

Để đáp ứng nhu cầu rất lớn từ thị trường nội địa, Trung Quốc thường phải nhập khẩu một số loại trái cây tươi. Thông thường vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc rất nhộn nhịp, nhất là mặt hàng trái cây. Tuy nhiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm nay, dịch Covid- 19 bùng phát mạnh mẽ buộc Trung Quốc phải ngừng thông quan tại các cửa khẩu biên giới và điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khuyến cáo ngành hàng rau quả cần chủ động điều chỉnh trong hoạt động sản xuất gắn với làm tốt công tác bảo quản, giảm sản lượng trái vụ, quy hoạch lại vùng trồng, điển hình như trái thanh long (đây là loại trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lớn nhất). Ngoài ra để lấp “lỗ hổng” từ thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường tiềm năng khác (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, các thị trường trong khối EU…), trong đó đặc biệt chú trọng tăng sản lượng trái cây phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe từ các thị trường này.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, Tổng Thư kí Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị để tránh thiệt hại cho người nông dân khi cung vượt cầu, cần hạn chế các loại trái cây sản xuất trái vụ, giảm bớt qui mô để khống chế số lượng quá nhiều. Cũng như khuyến cáo Bộ Công Thương đưa ra, ông Nguyên cho rằng điều quan trọng lúc này là Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang các thị trường tiềm năng khác để tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trong đó EU được đánh giá là thị trường đầy triển vọng khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa chính thức được Nghị viện châu Âu thông qua.

Minh Phượng