Vượt mặt các “ông lớn”, Tesla trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị cao nhất thế giới

Với sự tăng vọt của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cùng mức tăng trưởng vốn hoá ấn tượng (375% so với cùng kỳ năm 2019) đã đưa Tesla mạnh mẽ vượt qua các “ông lớn” như Toyota, Volkswagen để vươn lên trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị cao nhất thế giới

Đến đầu năm 2020, giá trị vốn hoá Telsa đã vượt qua Ford và GM kết hợp lại đưa cổ phiếu của hãng sản xuất ô tô này tăng vọt. Nhờ sự phổ biến của dòng Model 3, năm 2019 Telsa đã bán được nhiều ô tô hơn so với 2 năm trước đó; tạo điều kiện để hãng sản xuất ô tô này mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất.

Sức hút mạnh mẽ của Telsa khiến các bang Austin, Texas, Tulsa và Oklahoma (Mỹ) liên tục đưa ra các ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút các nhà máy mới của hãng. Thương hiệu Telsa cũng ngày càng khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế khi xây dựng thành công Giga Berlin – cơ sở sản xuất đầu tiên tại châu Âu cũng như hoàn thành việc mở rộng nhà máy Giga Thượng Hải, Trung Quốc.

Cú hích gần đây nhất của Telsa xảy ra khi một email của CEO Elon Musk gửi cho nhân viên bị rò rỉ, trong đó có đoạn viết, đã đến lúc đưa bản thương mại của Tesla Semi – xe tải chạy điện đầu tiên trên thế giới vào sản xuất hàng loạt. Ngay lập tức cổ phiếu của Tesla đã tăng vọt 6%, cán mốc 1.000 USD, biến nhà sản xuất xe hơi đóng đại bản doanh ở Thung lũng Silicon (Mỹ) trở thành hãng ô tô có giá trị lớn thứ nhì thế giới, chỉ xếp sau Toyota.

Dĩ nhiên Tesla cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của một loạt thương hiệu khác. Đơn cử như hãng sản xuất ô tô Nikola (cũng được đặt tên theo nhà phát minh nổi tiếng Nikola Telsa) cũng đang tập trung vào việc điện hoá khoảng 2 triệu chiếc xe bán tải hoạt động tại thị trường Mỹ.

Mặc dù chưa sản xuất được một chiếc xe nào song vốn hoá thị trường của Nikola đã tăng lên đến 24 tỷ USD – đạt giá trị ngang ngửa với Ford. Giống như Telsa, Nikola đã nhận các đơn đặt hàng từ các công ty đang tìm cách bổ sung thêm xe điện vào đội vận tải của mình.

Đối với các thương hiệu lớn đang tìm cách đạt được tiêu chí ESG (Environmental, Social and Governance Criteria: Tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị), các xe tải đáp ứng tiêu chuẩn không khí thải (zero-emmission) sẽ là giải pháp hàng đầu giúp giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu nhà sản xuất ô tô nào sẽ nắm lấy cơ hội trước?

Bảo Nguyên