“Vua chuối” Huy Long An và bí quyết xuất khẩu sang Nhật

Về đất Long An, không ai không biết ông Võ Quan Huy – người được mệnh danh là “vua chuối” bởi ông đã thành công trong việc đưa thương hiệu chuối Fohla (Fruits of Huy Long An) chinh phục người tiêu dùng khó tính của xứ sở Mặt Trời Mọc và nhiều quốc gia khác.

Theo chia sẻ của ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, trong tổng số 25 lần khởi nghiệp của ông với đủ loại cây, con thì cây chuối mang lại thành công lớn nhất với thương hiệu chuối Fohla được nhiều người biết đến nhất.

Ông Huy bắt đầu trồng chuối từ năm 2014, tới năm 2015 cho ra sản phẩm và 2016 thì xuất khẩu. Đến nay ông đã gầy dựng được cơ ngơi kha khá với  40ha vườn chuối ở Long An và 70ha ở Tây Ninh. Do vườn quá rộng nên ông mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại, nhà kho và cả hệ thống ròng rọc tự động để chuyển trái cây về kho đảm bảo chuối không chỉ thơm ngon mà còn có hình thức đẹp.

Tháng 4/2016, chuối Fohla đã chinh phục thị trường khó tính bậc nhất thế giới – Nhật Bản và 15 tấn chuối đã chính thức được bày bán tại siêu thị Don Kihote. Ngoài thị trường Nhật, ông còn xuất loại trái cây này sang Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc ….

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Huy cho rằng nông sản muốn thâm nhập thành công các thị trường lớn phải có quy trình canh tác, chăm bón theo chuẩn VietGAP; các khâu đóng gói, bảo quản, vận chuyển thành phẩm phải thật nghiêm ngặt. Để xuất khẩu thành công sang những thị trường khắt khe như Nhật Bản, Hàn Quốc, Công ty Huy Long An lấy nền tảng là VietGAP để quản trị sản xuất, đồng thời đáp ứng thêm một số yêu cầu của các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Huy cho biết người tiêu dùng Nhật Bản rất khó tính, chính vì vậy các đối tác ở quốc gia này cũng rất khắt khe về vấn để chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi mua sản phẩm của ông, họ lấy mẫu về kiểm nghiệm, phân tích tới hơn 200 chỉ tiêu về hóa chất; riêng thị trường Hàn Quốc phân tích hơn 170 chỉ tiêu và các chỉ tiêu này đều khác so với các chỉ tiêu của Nhật. Như vậy để xuất khẩu sang 2 quốc gia này, thương hiệu chuối Fohla phải đáp ứng gần 300 chỉ tiêu. “Người Nhật khi muốn mua một sản phẩm nào đều có thói quen tìm hiểu chi tiết, ngọn ngành về nguồn gốc của sản phẩm đó, chính vì vậy vấn đề minh bạch hoá mọi thông tin rất quan trọng. Người Nhật cũng rất thẳng thắn, khi thấy mình làm sai họ sẵn sàng góp ý và khi chúng ta sửa sai bằng tất cả thiện chí, họ sẽ rất hài lòng. Bản thân tôi từng phải bay liền sang Nhật vì phía đối tác phản ánh trái chuối có thẹo, xấu. Tôi qua để thấy khiếm khuyết của sản phẩm ở đâu để còn có hướng khắc phục về sau. May mà phía đối tác Nhật thấy được sự thiện chí, tinh thần trách nhiệm với hàng hóa của mình nên họ cũng không gây khó dễ gì” – ông Huy chia sẻ.

Ông Huy cũng khuyến nghị để xuất khẩu nông sản thành công, bản thân mỗi doanh nghiệp phải xây dựng được tiêu chuẩn hàng hóa cho mình. Nếu ngay từ bây giờ không chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, không canh tác theo hướng hữu cơ bền vững thì câu chuyện nông sản bí đầu ra sẽ luôn hiện hữu.

Theo Kim Phương