Vốn ngoại đua nhau đổ vào thị trường Logistics

Thời gian gần đây, các hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam có xu hướng tăng cao đột biến. Trong đó phải kể đến sự bỏ vốn khủng của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư ngoại, ngành logistics Việt Nam đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng cao từ 12 – 14%/năm.

Theo đó, trong tháng 7 vừa qua, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã ký kết hợp đồng liên doanh với đối tác Suzue Nhật Bản về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải và logistics. Tập đoàn Sumitomo cũng vừa hợp tác với Công ty Suzuyo và một quỹ công-tư chuyên về đầu tư hạ tầng của Nhật Bản, chi gần 40 triệu USD để mua 10% cổ phần của Công ty Cổ phần Gemadept của Việt Nam. Tham vọng của Tập đoàn Sumitomo là muốn xây dựng một hệ thống logistics kết nối các nhà máy với các bến cảng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Cùng với việc mua lại cổ phần tại Gemadept, các nhà lãnh đạo Tập đoàn Sumitomo sẽ phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động cho phép các lái xe container đăng ký trước thời gian bốc dỡ hàng tại các cảng và xử lý các công việc giấy tờ khác.

Một tên tuổi khác cũng đến từ xứ sở mặt trời mọc là Tập đoàn Mitsui O.S.K Lines (MOL) cũng đã đến khảo sát Cảng quốc tế Vĩnh Tân (VTIP) để xem xét đưa các tàu của MOL vận chuyển than nhập khẩu từ Indonesia vào cảng.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng nhanh chân không kém khi đã rót hàng triệu đô vào lĩnh vực logistics Việt Nam. Thương vụ cá mập từ các nhà đầu tư đến từ xứ kim chi phải kể đến là Samsung SDS – công ty con của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) bắt tay với Công ty Cổ phần logistics hàng không (ALS) để lập Liên doanh ALSDS, tham gia kinh doanh logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội).  Ngoài ra, Samsung SDS cũng đã ký kết với Minh Phương Logistics nhằm khai thác tiềm năng thị trường vận tải hàng hoá nội địa bằng đường bộ.

Bên cạnh đó, ông Shamir Rahim – Giám đốc điều hành Công ty Giao thông vận tải đường thủy và logistics Singapore, cũng bày tỏ mong muốn cộng tác với cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam để biến những tiềm năng này thành hiện thực, đảm bảo chuỗi cung ứng của chuỗi logistics và dòng chảy của hàng hóa bằng công nghệ số, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp hai bên. Hiện hiệp hội doanh nghiệp logistic Việt Nam và Singapore đã ký thỏa thuận hợp tác vào năm 2018. Đây chính là những bệ đỡ hút các dự án đầu tư trong ngành dịch vụ logistics của Singapore ngày càng tăng cao trong thời gian tới đây.

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho rằng, ngành dịch vụ logistics đã có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng trong thời gian qua. Theo báo cáo điều tra về Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64/130 năm 2016, xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí thứ 7 và Thái Lan vị trí thứ 32). Logistics Việt Nam cũng được xếp hạng ở top đầu trong số các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tương cũng thừa nhận, ngành logistics của Việt Nam vẫn mang trong mình nhiều điểm yếu cần hoàn thiện. Đơn cử như chi phí logistics, cụ thể là chi phí vận tải tại Việt Nam đang ở mức cao (gấp 3 lần so với các nước trong khu vực và thế giới) và không đồng đều giữa các khu vực. Nguyên nhân chủ yếu do các loại thuế, phí cầu đường bộ và phụ phí hiện khá cao, điều này vô hình làm giảm khả năng cạnh tranh của thị trường so với các nước khác. Một bài toán nan giải khác đặt ra là sự yếu kém về kết cấu hạ tầng phục vụ cho ngành logistics. Mặc dù trong những năm qua đã có sự phát triển rất mạnh mẽ, nhưng nhiều khâu về vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường sông và đường sắt còn khó khăn.

Khó khăn là vậy, song nhiều doanh nghiệp nội địa trong ngành vẫn mạnh dạn đầu tư vì nhìn thấy trước tương lai phát triển ngành, ví dụ như trường hợp của Tập đoàn tư nhân Sao đỏ. Theo ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, tập đoàn đang sở hữu Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với quy mô 1.329 ha, trong đó, khu cảng biển gồm 7 bến container và hàng tổng hợp, được thiết kế dành cho tàu 40.000 DWT, khu kho bãi rộng 105 ha, khu phi thuế quan rộng 210 ha…Số liệu thống kê của tập đoàncho thấy, đến hết năm 2018, sau 10 tháng đi vào khai thác, cảng đã đón khoảng 200 chuyến tàu lớn nhỏ, đi các tuyến quốc tế như đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải…với sản lượng hàng hóa thông quan đạt khoảng 200.000 TEU.

Các số liệu trên cho thấy thị trường logistics Việt đang có sức bật mạnh mẽ, không chỉ là miếng mồi ngon cho các nhà đầu tư ngoại khai thác, mà các nhà đầu tư nội địa nếu có vốn, công nghệ đều có thể làm giàu, vì dư địa còn rất rộng lớn.

Huy Hoàng