Với “bệ phóng” từ các FTA, xuất khẩu Việt Nam cán đích vượt mong đợi
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, tăng cao hơn so với dự báo tại thời điểm tháng 9 (tăng 3,5-4%). Con số ấn tượng này đã góp phần đưa xuất khẩu Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực và trên thế giới; tạo nền tảng quan trọng để nền kinh tế nước ta vững vàng bước vào năm 2021
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm gần đây không đến từ nhóm nông thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019.
Đặc biệt quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên tăng đều qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2020 có 31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo ghi nhận của các chuyên gia kinh tế, có được thành công trên là do thời gian qua Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điển hình như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Thông qua các FTA này đã giúp thị trường xuất khẩu Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, phát triển thêm nhiều đối tác tiềm năng.
Về cơ cấu thị trường, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tiếp tục đạt kết quả tích cực. Ngay khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực ngày 1/8/2020, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ được những ưu đãi từ Hiệp định thông qua việc thực hiện các hồ sơ chứng nhận xuất xứ theo mẫu EUR.1 – mẫu C/O để hưởng ưu đãi theo EVFTA. Kể từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 18/12/2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD.
Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử… Điều này cho thấy hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi là rất tốt. Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 34,9 tỷ USD giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch.
Đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt. Đơn cử trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang Canađa ước đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%…
Có thể thấy chính nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các ngành hàng đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ổn định với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD và là năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.
Năm 2020 cũng ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục lên tới 19,1 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD) và năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD). Tính chung trong 5 năm 2016-2020, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đều đạt giá trị thặng dư và đây sẽ là tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, cải thiện cán cân thanh toán, góp phần làm tỏa sáng hơn thương hiệu hàng hóa “made in Vietnam” trên trường quốc tế.
Linh Lan