Chuỗi cung ứng tại Việt Nam đang được xây dựng hết sức phù hợp và đúng hướng

Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là tác nhân gây nên làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc thì dịch bệnh Covid-19 được xem như chất xúc tác thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI đang tìm mọi cách để đa dạng hoá chuỗi cung ứng, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất

Cụ thể các chuyên gia kinh tế nhận định chính trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp mới nhận ra rằng họ đã phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và đa dạng hoá chuỗi cung ứng chính là biện pháp duy nhất giúp họ thoát ra khỏi cái bóng của “ông lớn” này. Ông Michael Kokalari – Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp luôn nghĩ rằng họ có một chuỗi cung ứng toàn cầu của riêng mình. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã cho họ thấy họ chỉ có một chuỗi cung ứng tại Trung Quốc”.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi động và sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong năm tới. Đơn cử Apple đã yêu cầu các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam và trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh thì “người không lồ ngành công nghệ” đã sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam trong quý 2/2020

Tuy vậy một trong những bất cập là quy mô thị trường lao động Việt Nam không lớn như Trung Quốc, thêm vào đó Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải trong khi đến năm 2025, dự án nâng cấp sân bay mới đi vào hoạt động; nhiều linh kiện được sử dụng để sản xuất các sản phẩm giá trị cao tại Việt Nam vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc… ; cơ sở cung ứng nội địa của Việt Nam cũng chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu hiện tại… Đây chính là những thách thức không nhỏ mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt khi đầu tư vào Việt Nam

Theo bà Nguyễn Phương Linh – Giám đốc Công ty Tư vấn Control Risks, khi chuyển cơ sở sản xuất đến Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho những đổi thay lớn bởi hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, dịch vụ logistics chưa hoàn thiện, giá nhân công cũng không còn rẻ so với các nước láng giềng…

Tuy nhiên vượt lên trên tất cả, nền kinh tế Việt Nam vẫn thích nghi rất nhanh với khó khăn và thách thức, nhiều khu vực kinh doanh mới vẫn phát triển mạnh mẽ ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 hoành hành. Điển hình như GLP – Tập đoàn khai thác kho vận lớn nhất châu Á đang tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bằng việc phát triển các dự án logistics tại Hà Nội và Tp.HCM – hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, sau đó sẽ đầu tư vào các tỉnh lân cận.

Những con số đầu tư vào Việt Nam cũng có sự gia tăng ấn tượng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 11 tháng năm 2020, vốn FDI vào Việt Nam đạt 17,2 tỷ USD. Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng 2,4% trong năm nay (số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam là 2,91%) và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2021.

Theo ghi nhận của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam đang dồn lực xây dựng cơ sở cung ứng và theo thời gian, động thái này sẽ góp phần nâng tầm ngành sản xuất nội địa trở thành đối thủ của Trung Quốc. “Chúng ta đang chứng kiến một chuỗi cung ứng được xây dựng ngày càng phù hợp và đúng hướng ngay tại đất nước này” – ông Michael Kokalari nhấn mạnh.

Minh Anh