Virut Corona và mối quan ngại về khả năng lây lan từ mẹ sang con

Một trẻ sơ sinh tại tâm dịch Vũ Hán – Trung Quốc được chẩn đoán dương tính với virut Corona chủng mới chỉ 30 giờ sau khi sinh. Đây được xem là nạn nhân nhiễm virut nhỏ tuổi nhất được ghi nhận tính đến thời điểm hiện nay và vụ việc làm dấy lên lo ngại về khả năng virut lây từ mẹ sang con trong lúc mang thai hoặc ngay khi sinh…

 

Trẻ em rất ít bị tác động bởi virut Corona

Được biết mẹ của đứa trẻ được xét nghiệm là dương tính với virut trước thời gian cô sinh con. Vẫn không rõ bệnh được lây truyền bằng cách nào, liệu bị nhiễm khi đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ hay là sau khi sinh. Em bé sơ sinh cân  nặng 3.25kg và hiện tại các dấu hiệu sinh tồn của bé đều ổn định.

Trưởng khoa Nhi tại Bệnh viện Vũ Hán – ông Zeng Lingkon cho biết vụ việc là một dấu hiệu cảnh báo chúng ta cần lưu ý về con đường lây nhiễm mới của virut Corona – lây nhiễm mẹ sang con. Tuy nhiên cũng có khả năng trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh sau khi vừa mới lọt lòng và tiếp xúc gần gũi với người mẹ. Dù thế nào đi nữa, ông Zeng Lingkon khuyến nghị tốt nhất phụ nữ mang thai nên tránh xa những người nhiễm virut Corona

Còn theo ông Stephen Morse – Nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng Mailman trực thuộc trường Đại học Columbia, việc lây nhiễm virut qua tử cung là không thể xảy ra. Có vẻ như  trẻ sơ sinh bị nhiễm virut trong môi trường bệnh viện, các nhân viên y tế cũng nhiễm bệnh theo cách tương tự từ các bệnh nhân họ đang điều trị. Cũng có khả năng trẻ sơ sinh lây nhiễm theo cách rất thông thường là hít phải những giọt nước bọt có chứa virut từ người mẹ khi ho.

Tính đến ngày 6/2, virut Corona mới đã khiến 28.000 người nhiễm bệnh và gây ra 565 ca tử vong. Tuy nhiên, điều bất ngờ là trong hầu hết các ca dương tính có rất ít trường hợp là trẻ em, điều này cũng giống với những đợt dịch lớn trong lịch sử gần đây như SARS và MERS. Cụ thể, trong dịch MERS, hầu hết các trường hợp trẻ em bị lây nhiễm mầm bệnh đều không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Trong khi đó, với dịch SARS bùng phát năm 2003 gây ra khoảng 800 ca tử vong cũng không hề ghi nhận trường hợp trẻ em nào bị chết vì dịch. Thêm vào đó, trong số hơn 8000 người nhiễm bệnh SARS, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Mỹ) cũng chỉ ghi nhận được 135 ca là trẻ em.

Theo báo cáo của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA), độ tuổi trung bình của bệnh nhân nhiễm virut Corona là từ 49 đến 56 tuổi. Xét về con số tổng thể, trẻ em vẫn là đối tượng rất ít bị tác động bởi virut Corona.

Tương tự như trong đợt bùng phát dịch MERS năm 2016, Tạp chí khoa Nhi lâm sàn thế giới cho biết virut Corona rất hiếm khi xuất hiện ở trẻ em, mặc dù họ có ghi chú thêm rằng “lý do cho việc tỷ lệ mắc phải còn thấp thì vẫn chưa biết được.”

Thế giới kêu gọi đóng góp cho công tác phòng chống dịch

Trước tình trạng dịch bệnh virut Corona lây lan chóng mặt và diễn biến ngày càng phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo dịch ở mức nguy hiểm khẩn cấp toàn cầu. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã ra lời kêu gọi các nước thành viên quyên góp 675 triệu USD (520 triệu Bảng) để tài trợ cho kế hoạch Phòng chống 3 tháng. “675 triệu USD là một khoản tiền lớn, song vẫn thấp hơn nhiều so với số tiền phải chi trả nếu như chúng ta không đầu tư cho việc chống lại sự bùng phát của dịch virut Corona chủng mới vào thời điểm hiện tại” – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus  khẳng định.

Theo kế hoạch dự toán của WHO, sẽ có 60/675 triệu USD được dành cho các hoạt động riêng của WHO và phần còn lại sẽ được hỗ trợ cho các nước đang phải đối mặt với các nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng từ chủng virut nguy hiểm.

Trong một nỗ lực của mình trước khi các quốc gia đóng góp, tính đến thời điểm hiện tại WHO đã gửi 500.000 khẩu trang và 40.000 mặt nạ phòng độc từ kho hàng của tổ chức này đến hầu hết các quốc gia có dịch. Được biết, trong các khoản quyên góp mà WHO đã nhận được, tổ chức này có sự tài trợ 100 triệu USD từ Quỹ Bill và Melinda Gates phục vụ cho việc thử nghiệm virut, điều trị và nghiên cứu vaccine.

Còn tại Trung Quốc, các quan chức nước này cho biết họ đã và đang tăng cường nỗ lực kiểm soát ổ dịch, đặc biệt là tâm dịch Tp.Vũ Hán – tỉnh Hồ Bắc. Hai bệnh viện dã chiến được xây một cách thần tốc và 11 địa điểm công cộng được chuyển thành nơi chăm sóc theo dõi y tế tạm thời. Tuy nhiên một quan chức Tp.Vũ Hán cho biết vẫn còn thiếu rất nhiều giường bệnh và thiết bị y tế. Chính quyền Tp.Vũ Hán đang tìm cách tận dụng các khách sạn và trường học trong thành phố trở thành trung tâm chăm sóc điều trị.

Tâm An