Vinh Danh 100 doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2018

Vừa qua, tại Khách sạn Sheraton (Hà Nội), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018. Tham dự và chỉ đạo buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đại diện các Bộ, Ban, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc vinh danh các doanh nghiệp lọt Top 10 phát triển bền vững 3 năm liên tiếp

Chương trình được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức với gần 500 hồ sơ tham gia. Các doanh nghiệp phải trải qua quá trình bình chọn khắt khe từ cấp cơ sở rồi gửi về Hội đồng chấm giải bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các bộ ngành: Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Để lọt vào danh sách 100 doanh nghiệp bền vững 2018, các doanh nghiệp phải đáp ứng 131 tiêu chí sàng lọc khắt khe dựa trên Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (Corporate Sustainability Index – CSI). Bộ chỉ số tích hợp các thông lệ, quy ước tiêu chuẩn quốc tế cùng với những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam giúp doanh nghiệp xây dựng nền móng quản trị hiệu quả và vững chắc. Bởi vậy, đây được xem là thước đo giá trị, tấm gương phản chiếu sự lớn mạnh của doanh nghiệp.

Theo Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), top 100 doanh nghiệp (bao gồm các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ) được lựa chọn từ gần 500 hồ sơ doanh nghiệp tham dự Chương trình. Ngoài những tên tuổi quen thuộc, Top 100 doanh nghiệp bền vững năm nay còn có nhiều gương mặt mới. Lễ công bố giải thưởng năm nay còn đặc biệt biểu dương những điển hình xuất sắc đã lọt Top 10 doanh nghiệp bền vững trong ba năm liên tiếp (2016 – 2017 – 2018). Những doanh nghiệp nằm trong top 10 doanh nghiệp bền vững lĩnh vực thương mại – dịch vụ trong 3 năm liên tiếp có Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty TNHH Kinh doanh ốp lát Bridgestone Việt Nam… Top 10 doanh nghiệp bền vững lĩnh vực sản xuất gồm có: Công ty TNHH Nhà máy bia Heneken Việt Nam, Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương; Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam…

Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những đóng góp không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi và đầy sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, “muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng muốn đi xa và đến đích chúng ta phải đi cùng nhau”. Do vậy, Phó Thủ tướng rất mong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không phân biệt quy mô nhỏ hay lớn, doanh nghiệp trong nước hay FDI, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân…hãy cùng nắm tay nhau vì mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD, doanh nghiệp được bình chọn dựa trên Bộ chỉ số CSI 2018 với 131 tiêu chí (giảm 2 tiêu chí so với năm 2017). Các tiêu chí cũng được điều chỉnh tiệm cận với Bộ tiêu chuẩn GRI standard của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu, cũng như phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế. CSI 2018 có thể áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp và là công cụ trợ giúp đắc lực cho doanh nghiệp trong việc lập báo cáo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế của GRI standard.

Điểm đặc biệt của Chương trình năm nay là Ban tổ chức đã phối hợp với các nhóm chuyên gia xác lập một “mức chuẩn phát triển bền vững”. Trong mỗi lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường mà Bộ chỉ số đề cập đều được chia ra thành tiêu chí cơ bản (mức chuẩn) và nâng cao. Ví dụ nếu Doanh nghiệp (DN) đáp ứng tiêu chí “DN có chiến lược phát triển” thì sẽ chỉ đạt mức cơ bản, trong khi đó mức nâng cao sẽ yêu cầu DN có “chiến lược gắn kết với 17 mục tiêu Phát triển bền vững (PTBV) của Liên hợp quốc”. Đây cũng là cách Bộ chỉ số CSI giúp hoạch định một lộ trình cho các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, khi bắt đầu tiếp cận với khái niệm PTBV sẽ hình dung ra được các công việc cần thực hiện để đảm bảo DN phát triển bền vững.

Không dừng lại ở đó, những DN tham gia Chương trình năm nay nếu được đánh giá đạt mức chuẩn trên cũng sẽ nhận được giấy chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn bền vững”. Thông qua đó, VCCI khuyến khích cộng đồng DN thực hiện PTBV để họ hiểu rằng, không lọt Top 100 không có nghĩa là DN đứng ngoài “cuộc chơi PTBV”.

Kim Phương