Vietjet ghi nhận quý kinh doanh lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết

Lượng khách giảm 22%, lỗ 989 tỷ đồng… là những “gam màu ảm đạm” trong bức tranh kinh doanh của Công ty CP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) trong quý I/2020 – thời điểm mà nền kinh tế nói chung, ngành hàng không nói riêng chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

Hãng hàng không Vietjet vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 với mức doanh thu vận tải hàng không đạt 7.222 tỷ đồng, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước và mức lỗ 989 tỷ đồng. Trong bối cảnh đại dịch, Vietjet khai thác 29.401 chuyến bay, chuyên chở gần 4,5 triệu lượt khách, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Hãng cũng chủ động điều chỉnh kế hoạch nhận tàu bay nên không phát sinh doanh thu, lợi nhuận chuyển giao, sở hữu và thuê tàu bay. Theo đó, doanh thu và lỗ sau thuế hợp nhất quý I/2020 vẫn là 7.222 tỷ đồng và 989 tỷ đồng, tiền mặt duy trì ở mức 2.452 tỷ đồng. Đây là quý kinh doanh lỗ đầu tiên của Vietjet kể từ khi niêm yết; tuy nhiên hãng đánh giá đây vẫn là mức lỗ tốt hơn dự kiến của Ban lãnh đạo Vietjet và nằm trong nhóm tích cực so với ngành hàng không toàn cầu.

Đạt kết quả khả quan này là do Vietjet đã chủ động triển khai các biện pháp cắt giảm và tối ưu hóa chi phí hoạt động, nhờ vậy mà chi phí hoạt động của hãng đã giảm 35-40% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra từ đầu năm 2020 đến nay, hãng đã chủ động trước các kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó Vietjet đã triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các sản phẩm dịch vụ SkyBoss, dịch vụ phụ trợ (ancillary), thẻ bay Power Pass; cung cấp các giải pháp vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không để gia tăng doanh thu…

Hướng tới mục tiêu chủ động trong hoạt động khai thác, tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã bắt đầu chuyển sang tự phục vụ mặt đất tại Cảng Hàng không Nội Bài. Đặc biệt với việc đàm phán thành công với các đối tác cho vay về việc giãn các khoản phải trả từ 3-12 tháng sẽ giúp Vietjet có nguồn lực tài chính để tập trung vào các giải pháp đưa hãng vượt qua khó khăn đại dịch và sẵn sàng nguồn lực bật tăng trở lại khi thị trường khôi phục.

Tháng 5/2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong nước và Vietjet cũng đã bắt đầu trở lại với bầu trời. Hiện tổng tài sản của Vietjet đạt 47.608 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu là 17.661 tỷ đồng bao gồm nguồn cổ phiếu quỹ, tăng 26% so với năm trước.

Chỉ số thanh khoản hiện hành duy trì ở mức 1,4 lần, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0,77 lần. Tỉ lệ nợ vay hiện thuộc nhóm thấp nhất trong ngành hàng không thế giới. Trên thị trường, cổ phiếu Vietjet chốt ngày 4/5 đứng ở mức 114.300 đồng, giảm 1,04%, đồng nghĩa mỗi cổ phiếu mất 1.200 đồng.

Thiên Phú