Việt Nam và mục tiêu vươn lên trở thành một quốc gia số trong thập niên tới

Theo báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index – EGDI) năm 2020 được Liên hợp quốc công bố hồi tháng 7/2020, Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên, tăng 2 bậc so với năm 2018. Điểm đáng khích lệ là Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014 – 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86 và không ngừng nuôi hy vọng gia nhập Top 4 chính phủ điện tử tại Đông Nam Á trước năm 2025.

Để đối phó với đại dịch Covid – 19, Chính phủ các nước trên thế giới tập trung phát triển các công cụ số sáng tạo để phổ biến thông tin, truy dấu người bệnh, cung cấp dịch vụ y tế cũng như tạo điều kiện cho việc học tập và làm việc từ xa. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó, thể hiện qua việc các cổng thông tin chính phủ đã được sử dụng nhiều hơn và có lượng truy cập gia tăng đáng kể. Cả khu vực công và tư đều quyết tâm thúc đẩy năng lực của hệ thống y tế số; nổi bật phải kể đến sự ra đời của Bluezone – ứng dụng lưu trữ thông tin về các cá nhân có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid – 19 và cảnh báo họ về nguy cơ lây nhiễm, qua đó giảm thiểu lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường.

Mặc dù những sáng kiến về chính phủ điện tử đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết song trên thực tế nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số của Việt Nam đã diễn ra từ trước cả khi dịch bệnh Covid – 19 bùng phát và đây cũng là cấu phần quan trọng của một kế hoạch dài hơi hơn nhằm đưa Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia số trong thập niên tới

Cụ thể ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 52-NQ/TW – nghị quyết toàn diện đầu tiên vạch ra các chính sách và mục tiêu cho Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ 2 tháng sau, Cổng dịch vụ công quốc gia – một nền tảng điện tử cho các dịch vụ công trực tuyến đã chính thức ra đời mang theo kỳ vọng của Chính phủ về việc sẽ giúp toàn xã hội tiết kiệm hơn 4.200 tỷ đồng/năm.

Đến ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, 30% vào năm 2030 và giải pháp để đạt được mục tiêu này chính là thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Mặc dù Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu hết sức tham vọng nhưng rõ ràng Việt Nam hoàn toàn hội đủ những điều kiện cần thiết cho chuyển đổi số. Theo đó doanh thu năm 2019 từ ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đạt 112,5 tỷ USD (khoảng 2.607.131 tỷ đồng), gấp đôi năm 2015. Các sản phẩm công nghệ thông tin như điện thoại di động và máy tính đều nằm trong các sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Ngoài ra tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế và nhiều ngành khác cũng sẽ được hưởng lợi từ tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Việt Nam. Lớp sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ và khoa học dữ liệu sẽ là sự bổ sung tốt cho lực lượng lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó các hệ thống thông tin và công nghệ tại Việt Nam vẫn tương đối mới so với các hệ thống tại châu Âu hay Hoa Kỳ nên việc chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ có ít rủi ro và có thể triển khai nhanh chóng hơn

Quan trọng hơn, việc Chính phủ Việt Nam coi xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số rộng khắp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu sẽ tạo ra những tác động lan tỏa tích cực. Theo các báo cáo của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thuận với một chỉ số chính phủ điện tử cao thì chỉ số môi trường kinh doanh cũng cao; và dĩ nhiên một môi trường kinh doanh tốt sẽ thu hút các nhà đầu tư chất lượng, tạo điều kiện cho chuyển đổi công nghệ và trao đổi kinh nghiệm quản lý, tăng cường sự minh bạch và giảm tham nhũng.

Bên cạnh đó, Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia cũng hướng tới mục tiêu thúc đẩy việc phát triển và sử dụng rộng rãi các nền tảng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội; khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cũng như khuyến khích các doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, thương mại. Đặc biệt để thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế, Chính phủ cũng đề ra giải pháp chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam” – sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam; hướng đến mục tiêu tạo ra 100.000 doanh nghiệp công nghệ và đưa Việt Nam trở thành một cường quốc công nghệ.

Với ý nghĩa đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể trông đợi và kỳ vọng vào hàng loạt chính sách khuyến khích đầu tư cho ngành khoa học – công nghệ trong thời gian tới, “chắp cánh” cho doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vươn cao, bay xa trên “bầu trời” công nghệ toàn cầu.

Minh Anh