Việt Nam và cơ hội vươn tầm trung tâm sản xuất chip của thế giới

Với việc được nhiều tập đoàn nước ngoài tin tưởng chọn làm cứ điểm sản xuất chip, Việt Nam đang đứng trước cơ hội cơ hội lớn vươn lên trở thành trung tâm sản xuất chip của khu vực và thế giới.

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để học hỏi làm chủ công nghệ sản xuất chip

Những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử – vi mạch Việt Nam đã có sự tăng trưởng đột phá, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử và trong 8 tháng năm 2022, điện thoại – linh kiện điện tử có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 39,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất điện tử của thế giới, là nơi đặt nhà máy, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của hàng loạt tập đoàn điện tử tên tuổi như Samsung, LG, Intel, Apple, Compal, Xiaomi…Gần đây nhất ngày 26/8, nhà cung cấp các công cụ thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới Synopsys (Mỹ) thông báo sẽ đào tạo kỹ sư ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam và hỗ trợ Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chip thông qua chương trình tài trợ phần mềm.

Quyết định này cho thấy Synopsys đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp chip Việt Nam. Ông Adrian Ng Siong Teck – Giám đốc kinh doanh Synopsys tại Việt Nam đánh giá Việt Nam là một điểm đến đầu tư vô cùng hấp dẫn. Synopsys đã tặng 30 bằng sáng chế liên quan đến thiết kế chip cho Khu công nghệ cao Tp.HCM với tổng giá trị ước tính lên đến 20 triệu USD. Dựa vào đây, các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế chip ứng dụng cho tủ lạnh, máy điều hòa và tham gia vào các chuỗi giá trị cao hơn. “Thách thức lớn hiện nay của ngành sản xuất chip là thiếu nguồn nhân lực, trong khi đó Việt Nam có thế mạnh nhân lực này và chi phí còn thấp so với các nước khác trong khu vực như Singapore, Malaysia,…” – ông Adrian Ng Siong Teck nhận định

Trước Synopsys, các nhà sản xuất như Apple, Panasonic đã đổ xô đến Việt Nam nhưng tăng trưởng trong ngành công nghiệp chip vẫn còn thấp cho đến khi Intel và Samsung bắt đầu thu hồi vốn đầu tư cách đây hai năm.

Sôi động các dự án mới

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng 8 vừa qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Roh Tae-Moon cho biết hãng đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên. Ngoài ra Tập đoàn cũng dự định sẽ khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đây cũng là trung tâm R&D của Samsung không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á, hiện đã hoàn thành khoảng 85%.

Trước Samsung, Việt Nam có Công ty Intel Products Vietnam (IPV) là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của Tập đoàn Intel. Trong cuộc khủng hoảng chíp toàn cầu, IPV không chỉ duy trì hoạt động ổn định mà còn có một số đóng góp sáng tạo giúp hãng bù đắp thiếu hụt về chất bán dẫn.

Theo các chuyên gia, việc Intel và Samsung – hai trong số 3 nhà sản xuất chíp lớn nhất thế giới hiện nay đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam được coi là bước tiến chưa từng có trong thu hút các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao trong thời gian tới.

Tiến tới tự chủ về công nghệ

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) đã lên tiếng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip đang tàn phá nghiêm trọng ngành sản xuất toàn cầu và ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến các hãng ô tô, các hãng công nghệ trên khắp thế giới. Dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip sẽ còn kéo dài, ít nhất là đến hết năm 2023.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội để học hỏi, vươn lên trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu biết tận dụng tốt những yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực này. Theo đó Phó Chủ tịch SBG khuyến nghị Chính phủ nên xem xét mở rộng đầu tư vào sản xuất chip bằng cách phát triển các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip. Đơn cử như hỗ trợ về vốn tương tự như các ưu đãi được sử dụng ở Hoa Kỳ nhằm mục đích phát triển công nghiệp sản xuất chip, áp dụng cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Các chính sách này có khả năng tác động đáng kể đến thị trường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip của Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới, mang lại lợi nhuận đầu tư và các lợi ích khác nhờ việc Việt Nam trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Khoa Tân – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết các tập đoàn sản xuất chíp, bán dẫn cũng như các trung tâm R&D của các tập đoàn sản xuất thế giới vào Việt Nam là điểm sáng cho ngành công nghệ cao và chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội để thu hút, mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên yêu cầu đặt ra là cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; các trường đại học, trung tâm đào tạo cần phải có sự liên kết chặt chẽ với các tập đoàn để đào tạo theo đơn đặt hàng về những nội dung phù hợp với mục tiêu, dự án của doanh nghiệp. “Hiện nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch của Việt Nam cũng được đánh giá cao nhưng vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu của nhiều tập đoàn khi có kế hoạch mở rộng sản xuất” – ông Tân nhìn nhận.

Còn theo GS.TS.Đặng Lương Mô, nhà khoa học về vi mạch tại Nhật Bản, nguồn nhân lực thiết kế, làm được chip tại Việt Nam khá đông đúc, hoạt động rất mạnh với khoảng 40 – 50 doanh nghiệp, hàng ngàn kỹ sư giỏi. Tuy nhiên quan trọng nhất đối với ngành này là chế tạo và cần có nguồn vốn đầu tư rất lớn, từ hàng tỉ đến hàng chục tỉ USD để đầu tư nhà máy, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. “Bàn về câu chuyện làm chíp Made in Vietnam lúc này có thể chậm, nhưng nếu bỏ qua chúng ta sẽ trở thành kẻ “lạc nhịp” khi tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0″ – GS.TS.Đặng Lương Mô cảnh báo

Một số chuyên gia cũng cho rằng việc tự chủ công nghệ chip bán dẫn sẽ giúp thu hút một lượng lớn các tập đoàn công nghệ gia tăng đầu tư trực tiếp, thành lập hoặc mở rộng trung tâm nghiên cứu và sản xuất các thiết bị công nghệ ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong chiến lược sản xuất chip, Việt Nam cần có chiến lược trung hạn và dài hạn. Về trung hạn, Việt Nam cần tham gia những công đoạn nghiên cứu phát triển đòi hỏi chủ đạo là yếu tố con người. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục việc đầu tư và đưa ra chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn. Song song đó, cần có chính sách để hỗ trợ các trường đại học trong nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn.

Về dài hạn, khi tự chủ được công nghệ và một phần vật liệu thì các nhà máy sản xuất chip mới có thể vận hành, hoạt động ổn định, cung cấp chip, đáp ứng nhu cầu sản xuất từ các thiết bị điện tử dân dụng đến cao cấp trong nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trình độ cao thì các chip điều khiển giữ vai trò đặc biệt quan trọng được ví như “bộ não”, “linh hồn” của tất cả các hệ thống tự động hóa và thông minh.

Thành Huynh