Việt Nam tiến sát mức cao về chỉ số phát triển con người
Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới và với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao. Việt Nam đã đạt được tiến bộ tốt trong phát triển con người, với tăng trưởng trung bình Chỉ số Phát triển con người (HDI) ở mức 1,36% trong suốt giai đoạn 1990 – 2018.
Thông tin được nêu trong Báo cáo Phát triển con người năm 2019 có tiêu đề “Bất bình đẳng trong phát triển con người ở thế kỷ 21: Không chỉ về thu nhập, mức trung bình và hiện tại” vừa được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố. Báo cáo Phát triển con người mới của UNDP cung cấp một bức tranh toàn cảnh về đa dạng các hình thức bất bình đẳng định hình thế giới trong thế kỷ 21 và cách thức giải quyết vấn đề này.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, cho rằng, Báo cáo Phát triển con người năm 2019 đã “hé lộ” một thế hệ mới các hình thức bất bình đẳng đang nổi lên chung quanh các vấn đề công nghệ số, giáo dục và cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng như đề xuất các cách thức mới để đo lường và tiếp cận các hình thức bất bình đẳng này. Theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam đã đúng đắn khi kiên định chọn hướng phát triển lấy con người làm trọng tâm và sự bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Theo báo cáo, Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình. Với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Việt Nam chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao.
Việt Nam cũng có kết quả tốt về khía cạnh bình đẳng giới. Với, chỉ số phát triển giới ở mức 1,003, Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong số 5 nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới, xếp thứ 68 trong số 162 nước về chỉ số phát triển giới. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lĩnh vực quan trọng cần tiếp tục cải thiện: Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước xếp hạng thấp nhất toàn cầu về tỷ lệ giới tính khi sinh (1,12), bạo lực đối với phụ nữ do đối tượng không phải là chồng/ bạn tình gây ra (34,4%), tỷ lệ phụ nữ có tài khoản tại các tổ chức tài chính hoặc với các công ty cung cấp dịch vụ tài chính qua di dộng (30,4%).
Theo đánh giá của Trưởng đại diện Caitlin Wiesen, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người kể từ năm 1990 với mức độ bất bình đẳng tăng chậm. Căn cứ vào chỉ số HDI điều chỉnh theo bất bình đẳng, Việt Nam đạt được thứ hạng cao hơn 9 bậc so với năm 2018.
Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng khi Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội cho giai đoạn tiếp theo của đất nước đang được xây dựng, các quyết định đưa ra ngày hôm nay sẽ quyết định Việt Nam có tiếp tục duy trì được xu hướng phát triển hiện tại với mức độ bất bình đẳng ở mức tương đối thấp không, hay các hình thức bất bình đẳng mới đang nổi lên sẽ được khắc sâu và trở nên trầm trọng hơn cùng với con đường phát triển không bền vững…
Báo cáo cũng cho biết, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đã tiên phong áp dụng phương pháp và cách thức đo lường nghèo đa chiều kể từ năm 2015. Thành tựu của Việt Nam trong giảm nghèo đa chiều đạt được thành tựu đáng kể, khi chỉ số nghèo đa chiều (MPI) ở mức 0,019, xếp thứ 29 trong tổng số 102 nước và nằm trong nhóm dẫn đầu ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về chỉ số này.
Báo cáo đưa ra phân tích và giải quyết các khoảng cách giới và bất bình đẳng trong suốt cuộc đời giữa các nhóm dân cư và các khu vực địa lý khác nhau. Các số liệu phân tích của Việt Nam cho thấy, dù có sự tiến bộ đáng kể ở cấp quốc gia, các nhóm dân tộc thiểu số vẫn tụt lại phía sau về nhiều mặt năng lực của con người, đặc biệt là tuổi thọ trung bình, sức khỏe và giáo dục (nhất là dạy nghề và giáo dục ở bậc đại học/cao đẳng).
Trung Quân