Tận dụng và khai thác hiệp quả cơ hội tăng trưởng xuất khẩu từ các FTA

“Tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và đang thực thi đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Tín hiệu vui này cũng phần nào cho thấy Việt Nam đã và đang rất chủ động, tích cực trong việc khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết….” là nhận định của ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ.

Để minh chứng cho nhận định trên, ông Hải cho biết trong 11 tháng năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng 7,6% so với cùng kỳ; tương tự xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 10,1%; sang ASEAN tăng 2,5%; sang Nga tăng 9,1%; sang New Zealand tăng 6,85% …

Riêng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Mặc dù đến nay Hiệp định mới chỉ có hiệu lực với 7 nước đã được phê chuẩn song kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang Canađa 11 tháng năm 2019 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%….

Đặc biệt Bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của Việt Nam cấp sang các thị trường lần đầu tiên Việt Nam có FTA là Mexico, Canada chiếm tỷ trọng lớn.  Đây là minh chứng cho thấy trong 1 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt và luôn nỗ lực tận dụng hiệu quả các lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường tiềm năng này.

Đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết sau khi EVFTA được ký kết vào ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU đang đẩy mạnh quy trình, thủ tục để tiến tới phê chuẩn hiệp định sớm nhất có thể. Với Việt Nam, quy trình phê chuẩn EVFTA trải qua 3 bước gồm: Bộ Công Thương trình hồ sơ lên Chính phủ sau khi đã lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành; Chính phủ trình hồ sơ lên Chủ tịch nước; Chủ tịch nước trình hồ sơ lên Quốc hội. Hiện tại, Việt Nam đang ở bước đầu tiên.

Về công tác chuẩn bị thực thi khi EVFTA chính thức có hiệu lực, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương triển khai. Về phía Bộ Công Thương đang thực hiện song song cả việc xây dựng bộ hồ sơ để trình Chủ tịch nước phê chuẩn EVFTA và cũng đang dự thảo Chương trình hành động về thực thi hiệp định này. Chương trình hành động này sẽ được trình kèm bộ hồ sơ.

“Trên thực tế dù Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền về các FTA đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước song hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp, kể cả cơ quan địa phương liên quan chưa quan tâm đúng mức, chưa tận dụng được cơ hội đang có từ các FTA. Nếu biết tận dụng tốt hơn thì con số tăng trưởng đạt được còn cao hơn nữa. Đó là lý do trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các thông tin về từng ngành hàng, mặt hàng, thị trường có liên quan; đồng thời phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài… để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại với các nước mà chúng ta ký kết FTA” –  Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.

Ngọc Mai