Việt Nam lọt top đầu Châu Á về tăng trưởng kinh tế

Việt Nam là quốc gia có kinh tế tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á trong 2 năm 2021 và 2022. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức để trở lại với mức tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch. Đây là nhận định của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) trong báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (Asian Develment Outlook) công bố tháng 4/2021.

Theo ADB năm 2021 tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,7%, tiếp theo là Singapore và Malaysia (6,0%), Philippines và Indonesia (4,5%), Thái Lan (3,0%). ADB dự báo năm 2022 Việt Nam tiếp tục đứng thứ nhất với 7,0%, tiếp theo là Malaysia (5,7%), Philippines (5,5%), Indonesia (5,0%), Thái Lan (4,5%), Singapore (4,1%).

Năm 2020, Việt Nam cũng đã đứng thứ nhất Đông Nam Á với tăng trưởng 2,9%, trong khi cả Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines đều tăng trưởng âm (từ -2,1% đến -9,6%).

Như vậy là 3 năm liên tiếp Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế. Tổng tăng trưởng GDP 3 năm 2020-2022 của 6 nước đứng đầu ASEAN theo thứ tự là: Việt Nam (17,78%), Indonesia (7,42%), Malaysia (5,77%), Singapore (4,39%), Thái Lan (1,07%) và Philippines (-0,34%).

Trên bình diện Châu Á, về tăng trưởng kinh tế, 3 năm liên tiếp Việt Nam luôn đứng trong top 3, nhưng tính tổng cả 3 năm thì Việt Nam lại đứng thứ nhất Châu Á. Tổng 3 năm 2020-2022, Châu Á – Thái Bình Dương theo thứ tự là Việt Nam (17,78%), Trung Quốc (16,67%), Tajikistan (15,76%), Ấn Độ (9,27%).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án cấp mới trong quý I năm 2021 tại Việt Nam tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ giải ngân tăng 6,5%, điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam ngày càng được nâng lên. Thu hút nhiều nhất vẫn là ngành chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu. Cùng với tình hình xuất khẩu tăng nhanh hơn dự kiến nhờ sự phục hồi và các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia thành viên trong các Hiệp định Thương mại tự do CPTPP, EVFTA. Những yếu tố này giúp cho tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam được dự báo là 9,5%, đóng góp đến 3,5 điểm % vào tăng trưởng GDP.

Việc kiểm soát tốt đại dịch covid-19 đang tạo ra niềm tin rất lớn cho nhà đầu tư và các dòng vốn hướng vào Việt Nam như một điểm đến an toàn. Đáng chú ý, chỉ số quản trị mua hàng tăng cao nhất so với tháng 1 năm 2019 (thời điểm trước đại dịch).

Như vậy, sức cầu bên ngoài tăng, bên cạnh đó thì các ngành dịch vụ, tiêu dùng nội địa, đầu tư trong nước cũng được củng cố nhờ tiến trình chuyển đổi số mạnh mẽ, niềm tin kinh doanh được cải thiện với mặt bằng lãi suất thấp.

Báo cáo của ADB cũng lưu ý về sự tăng trưởng nóng trên thị trường chứng khoán và bất động sản từ quý I năm nay. Rủi ro tín dụng không được dẫn hướng vào sản xuất trong khu vực tư nhân, vốn đang phục hồi nhanh chóng có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ bong bóng tài sản. Do vậy, Việt Nam cần cân nhắc việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới đây. Cùng với đó, cần ưu tiên dòng vốn dành cho 3 động lực tăng trưởng là công nghiệp, dịch vụ và thương mại xuất khẩu.

Duy Anh