Việt Nam hướng tới 100.000 doanh nghiệp công nghệ số
Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn của Chính phủ. Theo các chuyên gia, bất chấp COVID-19, nền kinh tế số Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số ở mức 16% trong năm nay và dự báo đóng góp 30 tỷ USD vào năm 2021.
Ông Phạm Ngọc Thức, Giám đốc Vận hành Công ty cổ phẩn Công nghệ phần mềm OOS (OOS Software), một đơn vị chuyên cung cấp phần mềm quản trị nguồn lực cho doanh nghiệp cho biết, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, bắt đầu có những ứng dụng công nghệ mạnh mẽ vào cả 3 khu vực trọng điểm.
Thứ nhất, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay đã giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng tiềm năng nhanh hơn, hiệu quả hơn, tăng tính tương tác và khả năng chốt đơn hàng.
Thứ hai, các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp (core business) theo từng lĩnh vực hoạt động, như với doanh nghiệp ngân hàng-tài chính thì đó là các giải pháp Core Banking, Core tài chính, Core bảo hiểm. Với các doanh nghiệp sản xuất thì đó là các giải pháp tăng hiệu quả quản lý sản xuất. Với các doanh nghiệp kinh doanh đất động sản, dịch vụ du lịch-nghỉ dưỡng thì đó là các giải pháp công nghệ hướng tối việc tối ưu vận hành các dự án, khai thác các khu nghỉ dưỡng, du lịch, tiết kiệm chi phí…
Khu vực cuối cùng đó là các ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý nội bộ của doanh nghiệp từ tài chính-kế toán, nhân sự, kho vận, hậu cần, văn phòng điện tử…, giúp quá trình làm việc nội bộ doanh nghiệp trở nên hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Rất nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ Cloud, Robotic, Big Data…đã được cung cấp rộng rãi, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với công nghệ, sử dụng đơn giản hơn, không phải đầu tư hạ tầng, nhân sự vận hành và tiết kiệm rất nhiều sức lao động cho các công việc lặp đi lặp lại.
Nhiều doanh nghiệp chuyên về cung cấp nền tảng kết nối việc làm và đào tạo trực tuyến chia sẻ, kể từ khi có dịch COVID- 19, lượng khách hàng tăng lên rõ rệt cho thấy sự quan tâm của các đối tác doanh nghiệp trong sử dụng giải pháp trực tuyến.
Theo ông Phạm Ngọc Thức, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã chủ động hơn rất nhiều trong việc tìm hiểu và áp dụng công nghiệp 4.0, nhưng vẫn đang xảy ra tình trạng phổ biến là “cứ làm vì thấy hay, thấy đơn vị khác đã làm và làm sai đến đâu thì sửa tới đó”. Điều này cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ công nghiệp 4.0 thành công của doanh nghiệp Việt Nam bởi vì tổng chi phí về tiền bạc, thời gian và nhân lực của doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ 4.0 cũng không hề nhỏ.
Một khó khăn điển hình là thị trường đang thiếu những đơn vị tư vấn tổng thể chiến lược về ứng dụng công nghệ 4.0 trong tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp vẫn đang phải loay hoay trong việc đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến như: “Chúng tôi biết được tầm quan trọng của công nghiệp 4.0, nhưng doanh nghiệp đang không biết bắt đầu từ đâu? Thực hiện số hóa cái gì trước? Cái gì sau? Nên lựa chọn những ứng dụng công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, theo từng đặc thù của lĩnh vực ngành…”.
Khó khăn thứ hai là các doanh nghiệp đang phải đối mặt đó là những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, tác động nhiều tới chiến lược đầu tư công nghệ 4.0 của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp buộc phải cân nhắc kỹ các khoản đầu tư ngoài những chi phí vận hành bắt buộc.
Tuy nhiên, ông Thức cũng cho rằng, thực tế đã có một số doanh nghiệp biết chuyển hóa khó khăn thành cơ hội, tận dụng tốt thời điểm thị trường có sự chùng xuống, mạnh dạn đầu tư, nâng cấp các hệ thống quản trị, hệ thống công nghệ tăng năng suất lao động và đặc biệt là áp dụng các ứng dụng bán hàng online, làm việc online, tương tác với khách hàng online…
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội dẫn chứng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%); thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%).
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, hiện số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chiếm khoảng 98%, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn thấp.
Ông Hoàng Viết Tiến, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, cũng cho rằng khó khăn đặt ra là nguồn nhân lực công nghệ khan hiếm, cạnh tranh nguồn lực cao. Cùng với đó là chi phí đầu tư nghiên cứu, chi phí hạ tầng cao; tốc độ phát triển công nghệ nhanh và áp lực cho công nghệ thay thế…
Theo ông Jack Nguyễn, Giám đốc khu vực của Insider (một startup cung cấp các giải pháp công nghệ marketing cho các doanh nghiệp) ở Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc), chuyển đổi số trong nền kinh tế Việt Nam đã không chỉ dừng lại ở các ngành bán lẻ, thương mại điện tử hay thông tin – truyền thông mà trong 1-2 năm gần đây nó xuất hiện mạnh mẽ trong đa ngành: tài chính – ngân hàng, giáo dục, du lịch, y tế và chăm sóc sức khỏe. Vì thế có thể nói toàn nền kinh tế đang cùng nhau chuyển mình mạnh mẽ để theo đuổi cuộc cách mạng 4.0 này.
Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số tại Việt Nam trong 5 năm tới sẽ cao thứ hai khu vực (29%), chỉ sau Philippines (30%). Tổng giá trị giao dịch nền kinh tế số Việt Nam dự báo đạt 14 tỉ USD trong năm 2020, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 29%, nền kinh số của Việt Nam thậm chí có thể đạt tới con số 30 tỷ USD vào năm 2021.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng quan trọng, phát triển ngành công nghệ thông tin – truyền thông, thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thịnh vượng.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2020.
Trong thực tế, thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam, đó là khoảng cách giữa hoạch định chính sách và việc triển khai trong thực tiễn.
“Việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam là giải pháp tất yếu, hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế số trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0; tạo môi trường pháp lý minh bạch cho quá trình phát triển kinh tế số; hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng của cho phát triển nền kinh tế số; đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực số, chuẩn bị sẵn sàng nền kinh tế số; đẩy nhanh việc số hoá các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường số giữa Chính phủ với các doanh nghiệp”, ông Jack Nguyễn đánh giá.
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, như cơ bản hoàn thành việc kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ. Việt Nam tăng 10 bậc theo đánh giá của Liên Hợp Quốc về Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, vẫn là một thách thức với Việt Nam khi chuyển đổi sang nền kinh tế số bởi kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ, Internet với tốc độ thay đổi nhanh chóng trong khi việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật lại cần thời gian để nghiệm chứng, các chính sách và cơ chế quản lý cũng cần theo kịp sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, nhất là các mô hình dựa trên công nghệ số.
Về hạ tầng viễn thông, internet chưa được đồng đều giữa nông thôn và thành thị. Hạ tầng thanh toán là một trong những hạn chế vì tỷ lệ thanh toán điện tử và tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng/ví điện tử chưa cao. Hạ tầng chuyển phát chưa phát triển mạnh, chất lượng vận chuyển, thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan, chi phí, các dịch vụ theo dõi đơn hàng và truy vết vẫn chưa thực sự phát triển đồng bộ và có những hạn chế nhất định.
“Thách thức cũng chính là cơ hội, quan trọng là Việt Nam cần nhìn nhận, đánh giá và khắc phục những thách thức một cách chính xác, đó sẽ chính là tiền đề để việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam bứt phá và vươn lên top đầu khu vực ASEAN”, ông Jack Nguyễn nhận định.
Đông Phương