Cơ hội cho ngành du lịch trong kỷ nguyên chuyển đổi số

Các địa phương và doanh nghiệp đều đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng sản phẩm, cải tiến mô hình hoạt động và quản trị để sớm vực dậy sau Covid-19. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định, chuyển đổi số trong phát triển du lịch là một trong những yếu tố sống còn, bắt buộc phải tập trung thực hiện.

Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch 2020, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết địa phương này đang tích cực đẩy mạnh số hóa dữ liệu ngành du lịch và nâng cấp hệ thống hạ tầng đồng bộ để làm nền tảng cho các ứng dụng thông minh.

Huế đã hoàn thiện bộ chuẩn hóa nội dung số giới thiệu về 35 điểm đến tiêu biểu, cũng như xây dựng trải nghiệm thực tế ảo của một số không gian du lịch đặc biệt. Đồng thời, địa phương còn tăng cường quảng bá trực tuyến trên các mạng xã hội. Đặc biệt, tỉnh này cũng đẩy mạnh các dự án trải nghiệm thông minh khác như thẻ du lịch thông minh để hạn chế sử dụng tiền mặt, hệ thống xe đạp thông minh, bảo tàng số…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết quan điểm chung của tỉnh là du lịch thông minh chỉ có được trên nền tảng của một đô thị thông minh. Do đó, Huế đang triển khai phần mềm quản lý du lịch thống nhất, liên thông dữ liệu với các ngành liên quan nhằm đẩy mạnh hỗ trợ du khách trực tuyến.

“Chuyển đổi số sẽ thay đổi bản chất của ngành du lịch trở thành ngành công nghiệp dịch vụ số”, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch HĐQT Vietravel khẳng định.

Lý giải rõ hơn, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho rằng chuyển đổi số không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành, hay quyết định chính xác và nhanh chóng hơn dựa trên hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực. Kết quả của quá trình này còn nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá”, ông Lê Khắc Hiệp nhấn mạnh.

Thực tế, Vinpearl đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ tháng 8/2018, đến năm nay, kênh phân phối trực tuyến tăng trưởng 300%, dự kiến tiếp tục duy trì mức tăng này trong năm 2021. Trong khi đó, trang web Vinpearl Travel đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu lên đến 4 tỷ đồng/ngày.

Không chỉ đổi mới về kinh doanh, mảng du lịch của tập đoàn cũng ứng dụng công nghệ một cách toàn diện trong vận hành lẫn trải nghiệm khách hàng và bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Tháng 6 vừa qua, Vingroup khai trương công viên chủ đề đầu tiên trên thế giới trên nền tảng thực tế ảo. Theo đó, du khách được trải nghiệm trước qua không gian trải nghiệm online, với mức độ tương đồng đến 90%. Đồng thời, ông cho biết các hoạt động trên không gian đa chiều kết hợp trò chơi tương tác trực tuyến cũng thu hút hàng triệu lượt khách.

Dưới góc độ quản trị và vận hành, doanh nghiệp áp dụng AI và Big Data vào quy trình quản lý để giảm chi phí vận hành và tối ưu năng suất. Đến nay, Vinpearl đã chuẩn hóa các nền tảng công nghệ thông tin, trong đó 70% hạ tầng được quản lý trực tuyến và 100% báo cáo tài chính, vận hành được tự động hóa trên phần mềm theo thời gian thực.

Những hướng đi này phù hợp với đề xuất của Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đưa ra trong hội nghị. Ông cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19, các hoạt động chuyển đổi số, truyền thông du lịch trực tuyến và hợp tác với các hãng công nghệ lớn trên toàn cầu để phát triển du lịch càng cần được coi trọng và đẩy mạnh.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc chuyển đổi số trong du lịch thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, nhận thức về chuyển đổi số tại một số địa phương, doanh nghiệp chưa được triển khai thường xuyên. Đồng thời, các đơn vị chưa hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử liên thông và có thể được chia sẻ để phục vụ cho toàn ngành.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thị trường và số hóa cơ sở dữ liệu chưa theo kịp yêu cầu và xu thế đồng bộ, chưa kể nguồn lực đầu tư cho e-marketing và thương mại điện tử còn quá ít.

Do đó, ông kiến nghị các doanh nghiệp và địa phương nâng cao ý thức trong vấn đề này để thúc đẩy chuyển đổi số trong từng đơn vị. Thứ trưởng đồng thời đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số trong ngành du lịch đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình cũng thừa nhận hạ tầng, thiết bị hỗ trợ chuyển đổi số cho ngành du lịch tại Huế còn thiếu tính đồng bộ. Ông đề nghị Chính phủ chọn Huế là một trong những điểm đến thí điểm triển khai loại hình du lịch thông minh, trong đó quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống máy chủ, máy trạm, đường truyền tốc độ cao, phủ wifi diện rộng để phục vụ du khách.

Mặc khác, ông kỳ vọng Chính phủ hỗ trợ tỉnh tiếp tục số hóa dữ liệu ngành du lịch và kết nối với dữ liệu của các ngành khác, đồng thời có chương trình đào tạo phù hợp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch và tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác công nghệ lớn để tận dụng tri thức, nguồn lực phát triển.

Từ phía doanh nghiệp, ông Lê Khắc Hiệp cho biết định hướng chuyển đổi số trong năm 2021 của Vinpearl là tiếp tục hoàn thiện các nền tảng số, tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng AI, Big Data để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách, qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của thương hiệu nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung”, vị lãnh đạo Vingroup nói thêm.

Duy Anh