Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới về lượng kiều hối năm 2020
Theo Báo cáo Di cư và Kiều hối được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm hơn 7% so với năm 2019 còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng kiều hối chảy về Việt Nam lần đầu tiên giảm kể từ năm 2010. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới năm 2020 (đứng thứ 9). Tính riêng khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 3 về giá trị kiều hối, sau Trung Quốc (59,5 tỷ USD) và Philippines (33,3 tỷ USD), và thứ 9 theo tỷ trọng GDP.
Theo báo cáo của WB, ước tính lượng kiều hối chảy về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình giảm 7% xuống còn 508 tỷ USD trong năm nay. Con số này sẽ tiếp tục giảm 7,5% vào năm 2021. Nguyên nhân là các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế giảm tốc khiến nguồn tiền mà lao động di cư gửi về cho gia đình sụt giảm. Cùng với đó là số lượng việc làm giảm, đồng tiền tại các quốc gia nhận kiều hối giảm giá trị so với đồng USD.
Các khu vực được dự đoán chứng kiến lượng kiều hối sụt giảm mạnh là châu Âu (16%), Trung Á (16%) và Đông Á (11%). Lượng kiều hối chảy về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã chạm ngưỡng kỷ lục 548 tỷ USD hồi năm 2019. Con số này lớn hơn cả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (534 tỷ USD) và hỗ trợ phát triển nước ngoài (166 tỷ USD).
Trên toàn thế giới, số tiền mà các lao động di cư gửi về cho gia đình dự kiến giảm 14% vào năm 2021 so với mức trước dịch Covid-19.
“Tác động của dịch Covid-19 có sức lan tỏa lớn khi nhìn qua lăng kính của các lao động di cư. Nó ảnh hưởng đến người di cư và gia đình họ, những người sống dựa vào nguồn tiền người lao động gửi về”, bà Mamta Murthi, Phó Chủ tịch Phát triển con người tại WB, nhận định. Bà nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc duy trì sự lưu thông của dòng kiều hối.
“Lao động di cư đang chịu rủi ro lớn về sức khỏe và tình trạng thất nghiệp trong cuộc khủng hoảng này. Những nguyên tắc cơ bản thúc đẩy kiều hối vẫn còn yếu. Đây không phải lúc chúng ta rời mắt khỏi các rủi ro tiêu cực đối với dòng kiều hối”, ông Dilip Ratha, tác giả chính của bản báo cáo, khẳng định.
Theo ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu về Bảo trợ Xã hội và Việc làm Toàn cầu tại Ngân hàng Thế giới, những phản ứng chính sách hỗ trợ của các nước chủ nhà cũng nên bao gồm cả người nhập cư. Trong khi đó, những nước có lao động di cư cần xem xét các biện pháp hỗ trợ người di cư về nước.
Thùy Linh