Đề xuất nhiều kịch bản tăng trưởng khi Covid-19 làm hụt 500.000 tỷ GDP

Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế – xã hội chiều 5/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng trong thời gian tới, khi xây dựng kế hoạch kinh tế – xã hội 2021 hay giai đoạn 2021-2025, Việt Nam cần thận trọng với diễn biến Covid-19. Chính phủ nên xây dựng nhiều kịch bản.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt trên 6% (Đồ họa: Phượng Nguyễn).

Kịch bản tốt nhất, vaccine điều trị có hiệu quả, dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới phục hồi. Nếu điều này xảy ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt trên 6% là khả thi. “IMF và World Bank cũng cho rằng nếu những yếu tố trên thuận lợi, Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,7-6,8%”, ông Ngân nói.

Kịch bản thứ hai, vaccine không hiệu quả, dịch bệnh bùng phát trở lại, kinh tế thế giới suy thoái kép, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ có thể đạt cao nhất là 4-4,5%.

Trước khi Covid-19 xuất hiện, Việt Nam đạt được hầu hết chỉ tiêu mà Quốc hội đã thông qua. Nền kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc với lạm phát được kiểm soát dưới 4%/năm, dự trữ ngoại hối tăng và cải thiện, đảm bảo cho sự ổn định tiền tệ, tạo dư địa cho nợ công để có cơ sở tăng đầu tư.

Tuy nhiên, Covid-19 đến lấy đi 7-8% GDP toàn cầu, tương đương 6.000-7.000 tỷ USD. Đầu năm, Việt Nam dự kiến GDP đạt 6,8 triệu tỷ đồng nhưng hiện tại nếu thực hiện tốt nhất chỉ đạt 6,3 triệu tỷ đồng, tức mất đi 500.000 tỷ đồng.

Trong năm 2020, mục tiêu thu ngân sách đặt ra là 1,5 triệu tỷ đồng cũng chỉ có thể thu được 1,3 triệu tỷ đồng. Do thất thu khoảng 189.000 tỷ đồng nên bội chi ngân sách tăng trên 84.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhìn nhận bức tranh tài chính ngân sách năm 2020 của Việt Nam có kém hơn nhưng tổng thể có cố gắng và vững chắc hơn giai đoạn trước.

Theo ông, thu chi ngân sách đã được cơ cấu lại, tái cơ cấu đầu tư công không ngừng được cải thiện, quy mô thu ngân sách 5 năm tăng 1,58 lần, trong đó thu nội địa tăng chiếm tới 81,6% so với 68,7% GDP của giai đoạn trước, giảm tính phụ thuộc của ngân sách vào tài nguyên và các yếu tố bên ngoài.

Nợ Chính phủ giảm từ 52,7% xuống 48%, nợ nước ngoài quốc gia từ 49% xuống 47% GDP vào năm 2020. Từ đó, Chính phủ mới có dư địa để năm nay ứng phó với tình hình đặc biệt khó khăn khi dịch bệnh phát sinh.

Về giải pháp xử lý phát sinh trong điều hành ngân sách của Chính phủ, ông Lâm đánh giá là phù hợp, trong đó có việc tăng bội chi so với dự toán đầu năm để bù đắp hụt thu khi thực hiện các chính sách hoãn, giảm, miễn hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo nguồn lực chi cho phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng và đặc biệt, giữ cho nền kinh tế không bị đổ vỡ sau đại dịch.

Về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, đại biểu tỉnh Bắc Giang góp ý Chính phủ xây dựng dự toán thu có vẻ quá thận trọng. “Trong khi dự báo kinh tế nước ta còn khó khăn trong đầu nhiệm kỳ nhưng được đánh giá là khá sáng sủa, thậm chí được coi là “ngôi sao đang lên” trong các nền kinh tế thế giới, sự thận trọng này sẽ làm kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng, khó khăn cho cơ cấu lại nền ngân sách”, ông Lâm nêu ý kiến.

Mới đây, Chính phủ trình Quốc hội mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6%. Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025 Việt Nam phấn đấu tăng trưởng 6,5-7%/năm.

Duy Anh (Theo Zingnews)