Việt Nam cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thúc đẩy hoạt động M&A bất động sản

Trong quý I/2020, mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam gần như “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song các nhà đầu tư quốc tế vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư của mình thông qua cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với các doanh nghiệp nội địa có uy tín.

Trong báo cáo “Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: Các quốc gia phải hành động ngay để giảm thiểu cú sốc kinh tế của Covid-19” được công bố hồi tháng 3/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo trong năm nay kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 4,9% (mức dự báo cũ là 6,5%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

default

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý I/2020, GDP của Việt Nam ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đánh giá của WB cho thấy Việt Nam vẫn đang duy trì các yếu tố cơ bản tốt, với tốc độ tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á và khu vực châu Á lớn hơn.

Trong quý I/2020, mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam gần như “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song các nhà đầu tư quốc tế vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư của mình thông qua cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với các doanh nghiệp nội địa có uy tín. Lật lại lịch sử giao dịch, có thể thấy hầu hết các thương vụ thành công đều đến từ những nhà đầu tư rất am hiểu nhu cầu thị trường cũng như các biến động trong nội tại. Mục tiêu của các nhà đầu tư này là tìm kiếm hiệu suất đầu tư tốt hoặc mở rộng danh mục đầu tư trong khu vực. Trong khi đó nhóm đầu tư mới tham gia vào thị trường lại chọn cho mình một chiến lược an toàn hơn. Ngoại trừ các giao dịch đang triển khai, dự kiến trong thời gian tới các khoản đầu tư lớn đều sẽ bị hoãn lại xuất phát từ sự bất ổn của thị trường

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao bộ phận Thị trường vốn tại Việt Nam của Công ty Jones Lang LaSalle (JLL), với tâm lý “tiền mặt là vua” hoặc “làm khi lành để dành khi mưa” trong bối cảnh kinh tế bất ổn, các nhà đầu tư thường ưu tiên giữ nguồn vốn, nếu có đầu tư thì cũng chỉ tập trung vào các thị trường họ đã am hiểu. Ngoài việc thực hiện thẩm định giá nhiều hơn, các giao dịch mà nhà đầu tư đang triển khai cũng sẽ bị chậm lại do các chuyến bay đến Việt Nam bị hoãn. Tuy nhiên “nút thắt” này sẽ được tháo gỡ thông qua việc sử dụng các cuộc họp trực tuyến, giúp các giao dịch hoàn tất nhanh chóng.

Đối với nhà đầu tư nội địa, do quá trình phê duyệt bị trì hoãn cộng với chính sách thắt chặt tín dụng, các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid – 19 đã tạo áp lực ngắn hạn lên dòng tiền và thanh khoản của nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, một số nhà đầu tư nội địa chọn cách huy động vốn thông qua hình thức tài trợ nợ (phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc tìm kiếm đối tác vốn). Theo JLL, trong quý I/2020 vẫn chưa ghi nhận xu hướng bán tài sản nợ xấu từ các công ty bất động sản trong nước, bất chấp việc dịch bệnh hoành hành đẩy hàng loạt doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản.

 “Nhiều nhà đầu tư mà chúng tôi làm việc vẫn giữ tinh thần lạc quan và sự điềm tĩnh. Họ cũng cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam trong dài hạn. Các chuyên gia dự báo những tác động của Covid-19 sẽ càng bộc lộ rõ nét hơn trong quý II/2020, chính vì vậy thời gian này các nhà đầu tư vẫn trong tâm thế chờ đợi cơ hội mới. Tuy nhiên do dịch bệnh được kiểm soát tương đối tốt ở Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp đang rục rịch tái kinh doanh trở lại. Điều này làm cho vị trí đàm phán giữa người bán và người mua ngày càng trở nên cân bằng hơn. Do đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch thành công hơn khi thị trường dự kiến sẽ được phục hồi trong nửa cuối năm 2020 hoặc 2021” – bà Khanh cho hay.

Cũng theo bà Khanh, việc thực hiện giao dịch bất động sản tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức do đây là một thị trường mới nổi. Để thúc đẩy nhiều hoạt động M&A hơn, Việt Nam cần chú trọng cải thiện mức độ minh bạch cũng như đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý nhằm tạo sức hút với các nhà đầu tư FDI. Khi quá trình phê duyệt pháp lý hoàn thành kỳ vọng tăng trưởng nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu, thị trường sẽ minh bạch và hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư ngoại.

Nhìn xa hơn, có thể thấy mọi thách thức đều là cơ hội tăng trưởng và các doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt thật chặt các cơ hội này để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng sức hút thương hiệu. “Các thương vụ M&A bất động sản đơn giản chỉ là giao dịch trực tiếp giữa người mua và người bán – thông qua chuyển nhượng dự án hoặc công ty. Khi Việt Nam đón nhận sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế có năng lực tài chính mạnh mẽ, cơ cấu giao dịch sẽ đa dạng và phức tạp hơn. Khi đó không thể thiếu vai trò của các đơn vị tư vấn đầu tư tài sản chuyên nghiệp, nhất là trong điều kiện các nhà đầu tư cần tận dụng chuyên môn và đẩy nhanh quá trình giao dịch. Điều này đã xảy ra ở các thị trường phát triển và chúng tôi tin rằng Việt Nam đang bắt đầu đi theo lộ trình này” – bà Khanh nhấn mạnh.

Hoàng Anh