Ưu tiên nâng chất dòng vốn FDI

Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đến nay vốn FDI tại Việt Nam đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm trong 30 năm qua, trở thành khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế. Tuy nhiên trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung vẫn đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng nâng chất dòng vốn FDI nhằm tránh những rủi ro, khai thác tốt các cơ hội.

Theo ghi nhận của ông Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư ), hiện Việt Nam sở hữu rất nhiều yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư; trong đó có thể kể đến: tình hình chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, nguồn nhân công giá rẻ, thị trường nội địa tiềm năng với thu nhập tăng nhanh, nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực giúp gia tăng cơ hội xuất khẩu, thu hút đầu tư.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch&Đầu tư), 8 tháng đầu năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam đạt 22,63 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2018; vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó có 2.406 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,4% số dự án so với cùng kỳ năm 2018; tổng vốn đăng ký cấp mới 9,13 tỷ USD, bằng 67,7% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với hơn 1,8 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Việc dòng vốn Trung Quốc ào ạt chảy vào Việt Nam làm dấy lên lo ngại về việc các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam nhằm né tránh sự trừng phạt tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên ông Đỗ Văn Sử – Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) lại cho rằng chưa thể đưa ra kết luận chính thức về hiện tượng này bởi chiến tranh thương mại sẽ dẫn tới sự chuyển dịch đầu tư là có thật. Khi Mỹ áp thuế cao đối với một số mặt hàng của Trung Quốc thì các nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. “Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp cần phải xác định rõ đâu là nguy cơ, đâu là cơ hội cũng như đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm tránh việc đầu tư lẩn tránh, lợi dụng xuất xứ nguồn gốc tại Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện các quy định về dự phòng rủi ro doanh nghiệp đầu tư trong nước và xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, thực hiện hiệu quả phòng vệ thương mại” – ông Sử khuyến nghị.

Còn theo bà Virginia Foote – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn, Việt Nam cần bền bỉ và năng động hơn để theo đuổi, chuẩn bị tốt các điều kiện tiếp nhận làn sóng đầu tư chất lượng cao; đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, thực hiện chuyển giao công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cao. Ngoài ra Việt Nam cũng nên tìm cách tận dụng làn sóng dịch chuyển với cổ phần hóa, đầu tư theo hình thức mua bán – sáp nhập (M&A); nghiên cứu tận dụng cơ hội cũng như các thách thức để cải thiện chuỗi cung ứng trong nước hiện nay…

 

Với mục tiêu tăng cường thu hút vốn FDI, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng kinh tế mới, ngày 20/8/2019 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn FDI, Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề để định hướng trong các năm tới. Với yêu cầu lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, đồng thời nhấn mạnh yếu tố an ninh quốc gia trong thu hút FDI, Nghị quyết số 50 kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thu hút được một thế hệ FDI mới có chất lượng cao hơn, là điểm đến của những Tập đoàn, công ty tốt nhất.

Thụy Nhiên