UOB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đạt mức 7,1%

Từ bệ phóng là sự thăng hoa ấn tượng những tháng cuối năm 2020, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ có tăng trưởng tích cực trong năm 2021, tiếp tục là điểm đến an toàn, hiệu quả cho hoạt động sản xuất và đầu tư…

Sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý IV/2020 đạt 4,48% – vượt qua mức kỳ vọng và dự đoán của giới phân tích kinh tế là 4%. Theo đánh giá của Ngân hàng UOB Việt Nam, quy mô kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 2,91% cho toàn năm 2020, cao hơn mức dự đoán của của UOB là 2,7%, trở thành một trong số rất ít các nền kinh tế trên toàn cầu đạt được mức tăng trưởng dương trong năm dịch bệnh.  Đây cũng đồng thời là minh chứng cho thấy sự sáng suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh của Chính phủ; sự nỗ lực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội

Trong năm qua, trong khi lĩnh vực dịch vụ hứng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid – 19 thì lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Cụ thể đóng góp của lĩnh vực công nghiệp tăng 1%, tương đương gần 1/3 tăng trưởng nguyên năm, trong khi đó đóng góp của lĩnh vực dịch vụ giảm nhẹ ở mức 0,9%. Theo đánh giá của ông Suan Teck Kin – Trưởng Bộ phận nghiên cứu Ngân hàng UOB, xu hướng này hoàn toàn ngược lại so với thời gian trước khi dịch bệnh diễn ra, thời điểm mà dịch vụ luôn đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Cùng với sản xuất công nghiệp, lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,4% (so với 8,1% năm 2019), nhập khẩu tăng 3,2%, với thặng dư thương mại tăng tới mức kỷ lục 19 tỷ USD. Trong năm 2020, ba sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện điện thoại (trị giá 50,9 tỷ USD, giảm 1% so với năm trước); máy tính và phụ kiện máy tính (44,7 tỷ USD, tăng 24,3% so với năm trước) và dệt may (29,3 tỷ USD, giảm 10,8% so với năm trước).

Về thu hút đầu tư, theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến ngày 20/12/2020 tổng vốn FDI vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Sự sụt giảm này xuất phát từ quy định hạn chế đi lại mùa dịch và tâm lý e ngại của các nhà đầu tư. Tuy nhiên “điểm sáng” đáng ghi nhận là các doanh nghiệp FDI vẫn đang tiếp tục bơm thêm 6,4 tỷ USD vào các dự án FDI hiện tại, tương ứng với mức tăng 10,6% so với năm trước, hứa hẹn triển vọng tích cực trong thời gian tới.

Nhiều thuận lợi và cơ hội bứt phá trong năm 2021

Theo ông Suan Teck Kin, những thành tựu nổi bật trong phòng chống dịch Covid – 19 cho phép các hoạt động kinh tế tại Việt Nam dần hồi phục tới mức “bình thường”. Điều này cũng được minh chứng thông qua sự cải thiện tích cực của hàng loạt các chỉ số  được công bố mới đây.

Về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của dịch bệnh trên toàn cầu cũng như kết quả triển khai các vaccine phòng chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết hiện tại Việt Nam đã đồng ý mua 30 triệu liều vaccine chống Covid-19 của hãng AstraZeneca, đảm bảo vaccine cho 15 triệu dân. Ngoài ra Việt Nam đang đồng thời đàm phán với 4 nước Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc để mua vaccine. Nỗ lực này cũng góp phần gia tăng năng lực quốc gia trong việc kiểm soát dịch bệnh, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.

Ngoài kiểm soát tốt dịch bệnh, các hiệp hội, ngành hàng cũng chỉ ra một loạt các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, nổi bật là các FTA tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư. Đơn cử với ngành hàng thủy sản, Hiệp định Thương tự do thương mại EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mới nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ mang lại những ưu thế vượt trội cho ngành trong năm 2021. Về phía ngành hàng hàng cà phê, theo ghi nhận của Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam – ông Đỗ Hà Nam, triển vọng trong năm 2021 sẽ khả quan hơn bởi nhu cầu thị trường vẫn còn và doanh nghiệp Việt đã dần thích ứng với phương thức kinh doanh giữa bối cảnh dịch bệnh.

Từ những yếu tố thuận lợi như động lực từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết thời gian gần đây, UOB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt mức 7,1%.

Hoàng Anh