Ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại – Những điều doanh nghiệp cần lưu ý
Nguy cơ các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng tăng đặt các ngành sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trước những thách thức mới, nhất là khi sự hiểu biết cũng như nguồn lực để ứng phó với các vụ điều tra còn rất hạn chế…
Theo Cục PVTM – Bộ Công Thương, sở dĩ doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị khởi xướng điều tra PVTM là do hạn chế về nguồn lực ứng phó, hạn chế về ngôn ngữ cũng như thời gian cung cấp các thông tin phục vụ điều tra. Trong khi ở các quốc gia khác trên thế giới, pháp luật về PVTM nói chung và chống bán phá giá nói riêng đã hình thành từ rất lâu thì tại Việt Nam, pháp luật về PVTM mới chỉ phát triển trong khoảng 15 năm trở lại đây. Thời gian ngắn ngủi như vậy nên cũng dễ hiểu tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ cũng như quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra.
Thống kê cho thấy thép là sản phẩm thuộc đối tượng điều tra PVTM nhiều nhất, chiếm hơn 40% trong tổng số các vụ việc; thứ hai là sản phẩm sợi, chiếm 12%, cao su hơn 6% và máy móc thiết bị 6%. “Mặc dù những năm qua Hiệp hội Thép cũng như các doanh nghiệp trong ngành đã tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm về PVTM song năng lực phán đoán, cập nhật thông tin vẫn còn khá hạn chế, dẫn đến tình trạng bị động khi có sự cố phát sinh” – đại diện Cục PVTM nhận định
Đồng tình với nhận xét của Cục PVTM, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa cho biết khi tham gia các vụ kiện về PVTM, các doanh nghiệp tỏ ra rất lúng túng, thiếu chủ động. Nguyên do xuất phát từ mặt nhận thức, chỉ có doanh nghiệp bị trực tiếp mới quan tâm, còn doanh nghiệp khác ít quan tâm, chỉ đến khi vướng vào mới tá hỏa cầu cứu. Ngoài ra doanh nghiệp cũng bị hạn chế rất nhiều về mặt tài chính, kiến thức…, nhất là hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến các quy trình điều tra PVTM. Hiện nay tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp có luật sư tư vấn để hiểu biết về pháp luật, quy trình điều tra, chi phí theo đuổi vụ kiện…cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thông thường một vụ điều tra PVTM kéo dài trung bình 12 tháng và có thể gia hạn tới 18 tháng, sau đó doanh nghiệp còn phải đối phó với nhiều lần rà soát thuế và thời gian áp thuế trừng phạt có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí đến 20 năm. Tính toán sơ bộ có thể thấy để theo đuổi vụ việc, doanh nghiệp phải bỏ ra khoản chi phí (chi phí dịch thuật tài liệu, chi phí thuê luật sư tư vấn, các chi phí định tính…) và nguồn lực rất lớn.
Trong thời gian tới, tỷ lệ thuận với xu thế bảo hộ tiếp tục gia tăng tại các quốc gia đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng đối mặt với các vụ kiện PVTM. Thêm vào đó, danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể bị kiện cũng đã mở rộng hơn trước rất nhiều, không chỉ dừng lại ở sản phẩm xuất khẩu truyền thống, mũi nhọn mà ngay cả những mặt hàng có quy mô sản xuất nhỏ, không nổi trội như đinh ốc, vòng xoáy ở tệp vở… cũng bị kiện. “Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thật bình tĩnh, sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như tính toán mọi rủi ro trong chiến lược kinh doanh. Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị các nguồn lực, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” – Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) khuyến nghị.
Còn theo ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM, các ngành sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”. Thay vì cạnh tranh bằng giá, doanh nghiệp cần tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và coi PVTM là một phần tất yếu trong chiến lược sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu của mình.
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần quan tâm trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM cũng như chuẩn bị các nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM; theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.
Ngọc Dung