Ứng dụng họp trực tuyến lên ngôi trong mùa dịch

Bối cảnh thực hiện giãn cách để phòng chống dịch bệnh đã tạo điều kiện cho ứng dụng họp trực tuyến lên ngôi. So với thời điểm trước dịch, họp trực tuyến ngày nay thuận tiện hơn rất nhiều bởi ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, người dùng đều có thể tham gia, chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại kết nối internet.

Theo Business Wire, thời gian qua nhu cầu họp trực tuyến tại các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục… Năm 2019, thị trường hội nghị truyền hình tại khu vực này được định giá 1,3 tỉ USD và dự kiến đến năm 2027 sẽ đạt tới con số 3,4 tỉ USD; bình quân giai đoạn 2020-2027 tốc độ CAGR đạt 11,4%.

Riêng với Việt Nam, dù chưa được liệt kê trong báo cáo của Business Wire do thị trường còn khá non trẻ song có thể thấy nơi đây là điểm đến của hầu hết các “ông lớn” trong ngành này như Zoom, Amazon Chime, Google Meet, Cisco Webex, Microsoft Team… Đại điện Việt Nam thì có Zavi (Zalo), Mobifone Meeting, OnMeeting (FPT), CoMeet (CMC TS), TranS (Nam Việt)… Trong đó tân binh TranS dù mới gia nhập thị trường song đã đạt tốc độ tăng trưởng khá tốt và chỉ trong thời gian ngắn đã phát triển từ 1.000 lên 450.000 khách hàng. Cùng với TranS, Zavi cũng là cái tên được kỳ vọng trong cuộc đua họp trực tuyến ở Việt Nam vì sỡ hữu nền tảng người sử dụng quy mô lớn từ ứng dụng chat Zalo và tiềm lực của Tập đoàn VNG.

Là ứng dụng miễn phí trong hệ sinh thái Zalo Group, người dùng có thể sử dụng Zavi để tạo phòng họp Online lên đến 100 người trong 24 giờ vô cùng dễ dàng. Ngoài ra ứng dụng còn có thể chia sẻ và mời họp tới mọi người một cách nhanh chóng và dễ dàng. Đặc biệt phiên bản Zavi gần nhất đã có các tính năng cơ bản của một hệ thống Video Conferencing (hội nghị truyền hình) và đang liên tục được nâng cấp hoàn thiện, phát triển.

Ông Umesh Sachdev – Giám đốc Điều hành và đồng sáng lập Uniphore cho biết thời điểm dịch Covid – 19 bùng phát, việc áp dụng hình thức trò chuyện video trong các cuộc gặp gỡ cá nhân và công việc trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên trong cuộc đua này, lợi thế vẫn nghiêng về nhóm công ty nước ngoài bởi các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn đều bị hạn chế về vốn và quy mô

Hiện nay nguồn thu của các công ty cung cấp nền tảng hội họp trực tuyến chủ yếu đến từ việc thu phí thành viên như gói dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Zoom có giá khoảng 190,9 USD/năm, hay Google Meeting có giá 8 USD/người dùng/tháng. Trong khi đó các công ty nước ngoài lại áp dụng hình thức “cho để nhận” thông qua cung cấp các gói miễn phí với chất lượng nghe, gọi không quá khác biệt so với hình thức trả phí nhằm thu hút người dùng.

Phần lớn các công ty nước ngoài đều có quy mô trên toàn cầu và chi phí tốt hơn nên áp dụng hình thức “cho để nhận” nhiều hơn và đây cũng chính là phương thức cạnh tranh của họ trên thị trường. Trong khi đó nhóm các công ty Việt Nam, do không có lợi thế về quy mô nên chịu áp lực khá lớn từ chiến lược này. Bên cạnh đó, do thị trường Mỹ áp dụng hình thức trực tuyến khá lâu dẫn đến ảnh hưởng khá nhiều tới tâm lý người sử dụng nên các công ty này có khá nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý. Đơn cử Microsoft Team bổ sung thêm tính năng giúp người dùng đưa ra lịch làm việc trong ngày; Zoom bổ sung thêm các bộ lọc mới giúp người sử dụng đỡ căng thẳng và chức năng mã hóa nhằm giảm bớt lo ngại về quyền riêng tư của người sử dụng sau sự cố bảo mật gần đây.

Theo dự báo của các chuyên gia, kể cả trong và sau đại dịch, việc sử dụng nền tảng họp trực tuyến vẫn lên ngôi nhờ sự thuận tiện, giúp tiết giảm chi phí. Đây cũng chính là cơ hội vàng để các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong mảng họp trực tuyến phát triển, nhất là việc tham gia các lĩnh vực đòi hỏi độ bảo mật và tính địa phương cao như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn….

Đón đầu cơ hội này, FPT vừa giới thiệu ra thị trường giải pháp họp trực tuyến OnMeeting với ưu tiên về mặt băng thông và kết nối cho thị trường Việt Nam. “Sự phát triển nhanh hay chậm của các giải pháp họp trực tuyến trong nước phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược của các doanh nghiệp công nghệ Việt nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội có được trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thúc đẩy cung cấp giải pháp tới khách hàng” – Tổng Giám đốc FPT Telecom Hoàng Việt Anh nhấn mạnh.

Thiên Nam