Thị trường cổ phiếu, trái phiếu Trung Quốc vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Dù Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt hoạt động kinh doanh nội địa, nhất là trong lĩnh vực Internet và công nghệ song dòng tiền từ khắp nơi trên thế giới vẫn tiếp tục chảy vào quốc gia này. Qua đây có thể thấy được nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang có sức hút rất lớn với các nhà đầu tư toàn cầu…

Thống kê của Bloomberg cho thấy kể từ tháng 11/2020 đến nay, khối ngoại vẫn đổ tiền mua thêm cổ phiếu trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến dù đây được đánh giá là thời điểm không thích hợp bởi trước đó không lâu kế hoạch IPO của Ant Group đã bị ngăn chặn – khởi đầu cho giai đoạn siết chặt hoạt động kinh doanh của chính quyền Bắc Kinh.

Riêng trong tháng 8/2021, lượng cổ phiếu mua vào của khối ngoại cũng tăng hơn gấp đôi so với tháng 7. Diễn biến tương tự cũng xảy ra trên thị trường trái phiếu Trung Quốc, thể hiện qua việc lượng trái phiếu nước này mà khối đầu tư ngoại nắm giữ đã đạt mức kỷ lục, tính đến hết tháng 7/2021.

Sở dĩ có hiện tượng này là do cứ mỗi khi có chuyên gia lên tiếng tuyên bố về rủi ro của việc đổ tiền vào cổ phiếu, trái phiếu Trung Quốc thì lại có một chuyên gia khác sẵn sàng đứng ra hô hào rằng đây là thời cơ “mua rẻ”. Bất chấp những thách thức và gián đoạn trong ngắn hạn, các nhà đầu tư ngoại vẫn tin tưởng chiến dịch vì “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giúp Trung Quốc duy trì sự tăng trưởng lâu bền, như nhận định của Chris Liu – Giám đốc đầu tư cấp cao cổ phiếu Trung Quốc tại Invesco Hong Kong: “Sự siết chặt của chính quyền Bắc Kinh thời gian gần đây hướng tới mục tiêu hợp lý hóa cấu trúc tăng trưởng kinh tế trong tương lai theo hướng chất lượng cao và cân bằng hơn. Nỗ lực này cho thấy Trung Quốc đang muốn đuổi kịp thế giới sau nhiều năm phát triển lỏng lẻo”.

Tuy nhiên để gặt hái quả thành công trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu Trung Quốc không phải chuyện một sớm một chiều, điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ phải hứng chịu những khoản lỗ đáng kể trong năm nay cũng như những năm tiếp theo. Đơn cử hồi tháng 7 vừa qua, quyết định siết chặt ngành dạy thêm của chính quyền Bắc Kinh đã làm “bốc hơi” 1.000 tỷ USD giá trị các cổ phiếu Trung Quốc trên toàn cầu.

Ngay cả trong 10 tháng khối ngoại tăng mua, vẫn có những khoảng thời gian đảo chiều rõ rệt. Đơn cử trong tháng 8/2021, dù các nhà đầu tư nước ngoài mua 26,9 tỷ Nhân dân tệ (4,2 tỷ USD) cổ phiếu đại lục – mức kỷ lục trong ba tháng qua thỉ họ cũng đã bán ròng 11 tỷ Nhân dân tệ trong cả hai ngày 19 và 20/8. Các phiên bán ròng diễn ra trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) định cắt giảm kích thích, cùng với hàng loạt bài bình luận và báo cáo trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn các doanh nghiệp để bảo vệ người tiêu dùng.

Kể từ năm 2007 đến nay, chỉ số CSI 300 giao dịch gần tỷ lệ thấp nhất so với chỉ số S&P 500 đã hỗ trợ triển vọng mua thêm. Sau hai tháng bán ra, dòng tiền chảy vào các quỹ hoán đổi danh mục tập trung vài cổ phiếu Trung Quốc đã có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt việc các quỹ có tầm ảnh hưởng (như Ark Investment Management của Cathie Wood) quay trở lại đường đua đã góp phần củng cố thêm tâm lý của nhà đầu tư.

Ngoài ra sức mạnh của đồng Nhân dân tệ cũng góp phần làm nên sự hấp dẫn của thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. Dù những tháng gần đây đồng Nhân dân tệ hầu như đi ngang song nó cũng đã tăng khoảng 1% so với đồng USD và tăng gần 6% trong 3 năm trở lại đây.

Theo ChinaBond, lợi suất trái phiếu 10 năm của Trung Quốc cao gấp đôi so với trái phiếu Kho bạc Mỹ, cộng với việc trái phiếu nước này đóng vai trò lớn hơn trong các chỉ số toàn cầu đã tạo động lực thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài nâng mức nắm giữ trái phiếu Trung Quốc lên kỷ lục 2.180 tỷ Nhân dân tệ. Điều này giúp mang lại cho họ lợi nhuận tốt nhất trong thị trường trái phiếu chính phủ.

Còn theo các nhà phân tích, kỳ vọng chênh lệch lợi suất của trái phiếu Trung Quốc so với trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ thu hẹp khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ giảm việc thu mua trái phiếu. Tuy nhiên chừng đó cũng không đủ để ngăn nhu cầu của các nhà đầu tư với trái phiếu Trung Quốc khi nó tham gia ngày càng sâu vào các chỉ số toàn cầu. “Dù thu hẹp hơn nữa thì phần bù lãi suất của đồng Nhân dân tệ vẫn còn rất lớn và sẽ tiếp tục củng cố các khoản đầu tư nước ngoài vào trái phiếu Trung Quốc” – Chiến lược gia Becky Liu thuộc Standard Chartered ở Hồng Kông nhận định.

Còn theo Pascal Blanque – Giám đốc đầu tư của Amundi SA, các quy định mới của chính quyền Bắc Kinh đang mở ra những chân trời mới. “Chúng tôi nhìn thấy ở Trung Quốc tầm nhìn phát triển trong dài hạn và tin rằng những biến động trong thời gian gần đây cũng chỉ để mở ra những cơ hội mới trong tương lai” – ông Pascal Blanque nhấn mạnh.

Duy Anh