Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trả lương phi công ngoại 400 triệu đồng/ tháng

Khi khai thác vào tháng 7/2020, hãng bay của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cần ít nhất 60 phi công và 120 tiếp viên, người giàu nhất Việt Nam chọn hướng thuê tổ lái từ nước ngoài. Hiện giá thuê phi công ngoại có mức cao nhất là gần 400 triệu đồng/người/tháng.

Chưa bao giờ thị trường hàng không nội địa lại “cơn khát” phi công như hiện nay, thực tế đã xảy ra tình trạng “giành giật” phi công, cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng. Nguồn phi công trong nước không đủ nên các hãng đều phải thuê thêm phi công nước ngoài để đảm bảo hoạt động khai thác.

“Để đạt được kế hoạch này, Vinpearl Air dự kiến sẽ thuê phi công nước ngoài từ các đối tác nước ngoài trên nguyên tắc không tạo áp lực tổng thể nguồn nhân lực của ngành hàng không” – Đề án của Vinpearl Air nêu rõ.

Về lâu dài, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang triển khai hệ thống các trường đào tạo nhân lực hàng không giúp dự án Vinpearl Air tăng tính khả thi và chủ động được nguồn nhân lực đặc thù của hàng không, cũng như góp phần bổ sung nhân lực cho toàn ngành hàng không.

Trong bối cảnh khan hiếm nhân sự hàng không chất lượng cao, hãng hàng không thuê chuyến đầu tiên của Việt Nam –  Vietravel Airlines cũng tính giải quyết bằng việc xây dựng kế hoạch nguồn nhân lực phù hợp với mô hình hoạt động và quy mô đội tàu bay theo từng giai đoạn cụ thể.

Năm đầu tiên khai thác số lao động của Vietravel Airlines là 223 người, bao gồm 26 phi công, 70 tiếp viên, 10 thợ kỹ thuật… Đến năm khai thác thứ 5, số nhân sự theo tính toán của Vietravel Airline là 595 người, bao gồm 72 phi công, 212 tiếp viên và 68 thợ kỹ thuật… Giai đoạn đầu, Vietravel Airlines dự kiến sẽ thuê toàn bộ 26 phi công nước ngoài; trong giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện việc đào tạo và tìm kiếm phi công có bằng lái cơ bản, phi công quân sự để chuyển loại sang A320/321 nhằm rút ngắn thời gian đào tạo và chi phí.

Đại diện một hãng vận chuyển cho biết, giá thuê phi công ngoại hiện nay được tính theo đội bay khai thác, trình độ và thị trường tuyển dụng phi công.

Đơn cử như phi công cơ trưởng đội A320/321 có tổng chi phí thuê khoảng hơn 15.000 USD/người/tháng, tương đương khoảng 350 triệu đồng/tháng; phi công đội bay A350/B787 là 17.000 USD/người/tháng, tương đương gần 400 triệu đồng/tháng; phi công cơ phó có mức thuê từ 10.000 – 12.000 USD/người/tháng (tùy loại máy bay), tương khoảng 220-250 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn phi công ngoại mà các hãng tại Việt Nam đang thuê đến từ các nước khu vực châu Á, trong đó Philippines chiếm phần nhiều. Một số hãng mạnh tay hơn chi tiền thuê phi công chất lượng ở châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, giá thuê phi công ngoại nhìn chung là đắt đỏ, giá cao hay thấp cũng được tính theo quốc tịch của phi công và nơi đào tạo, cấp bằng cho phi công.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc thuê phi công nước ngoài sẽ rất tốn kém, lương và chi phí đặc thù của phi công nước ngoài cao hơn phi công trong nước rất nhiều.

Các hãng đang sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao với 50 quốc tịch, theo đánh giá của nhà chức trách việc này có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá nhân lực hàng không.

Mới đây, nhà chế tạo máy bay Boeing đã công bố dự báo về nhu cầu phi công lái máy bay thương mại và tiếp viên. Theo đó, nhu cầu về những nhân sự này tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm đến hơn 1/3 nhu cầu dự kiến trên toàn cầu, tương đương 816.000 tổng số nhân sự mới cho ngành hàng không thương mại trong 20 năm tới.

Dự báo của Boeing cũng chỉ ra rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ cần thêm 244.000 phi công thương mại, tương đương 38% nhu cầu về phi công trên toàn cầu.

Như Quỳnh