Tỷ giá biến động, vốn ngoại vẫn chảy ròng vào thị trường chứng khoán

Mặc dù thời gian qua tỷ giá USD/VND biến động mạnh song theo thông tin từ một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho đến nay vẫn chưa ghi nhận hoạt động rút vốn của nhà đầu tư FDI ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam

Vị lãnh đạo này cho biết ngày 2/7, trước biến động mạnh của tỷ giá USD/VND, lãnh đạo vụ chức năng NHNN đã lên tiếng sẵn sàng can thiệp, bán ra ngoại tệ với giá thấp nếu thị trường cần. Cùng với thông điệp này, chỉ 1 ngày sau đó Sở Giao dịch NHNN lập tức áp giá bán USD cho các thành viên tham gia thị trường tham khảo với mức rất thấp là 23.050 VND (giảm tới 244 VND so với phiên liền trước) và tiếp tục giữ nguyên mức giá này trong ngày 4/7. Mức giá 23.050 VND cũng thấp hơn tới 264 đồng so với mức trần của tỷ giá trung tâm

Với sự điều chỉnh này, các ngân hàng thương mại có nhu cầu mua USD hợp pháp và đáp ứng đầy đủ các quy định sẽ được mua với giá rẻ hơn đáng kể. Tuy nhiên sau 2 ngày đầu tiên Sở Giao dịch NHNN chào hàng ngoại tệ giá thấp, vẫn không có ngân hàng thương mại nào gửi đơn đăng ký mua cả. Điều này cho thấy nguồn cung ngoại tệ trên thị trường không thiếu hụt, thị trường vẫn tự điều tiết và cân đối, giao dịch vẫn thông suốt nên không có thành viên nào phải đăng ký mua hỗ trợ nguồn.

Theo quan điểm của vị lãnh đạo cao cấp của NHNN, cân đối các dòng chảy ngoại tệ như một quy luật, có vào thì phải có ra mới đảm bảo được sự hài hoà. Trong suốt 2 năm qua NHNN liên tục mua ròng và gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối quốc gia nhưng khi thị trường cần, cơ quan này sẵn sàng bán ra đáp ứng theo quy luật. Với việc bán ra ngoại tệ, cái lợi của NHNN là hỗ trợ hút bớt tiền đồng về, thay vì chủ yếu sử dụng công cụ tín phiếu phát hành liên tục suốt thời gian qua.

Còn trên phương diện ứng xử với tiền đồng, NHNN đã vạch sẵn các giải pháp để cân đối, tránh tình trạng dư thừa tiền đồng trong hệ thống gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát. Cụ thể nhà điều hành sẽ tập trung triển khai các biện pháp cân đối lãi suất trên thị trường liên ngân hàng với mục đích giảm thiểu bất lợi từ chênh lệch lãi suất giữa VND-USD. Nếu diễn biến thị trường không như mong muốn, bên cạnh phát triển nghiệp vụ phát hành tín phiếu, NHNN có thể dự phòng cả các biện pháp bổ trợ khác.

Bên cạnh hiện tượng dư thừa tiền đồng, tình trạng biến động tỷ giá trong nước thời gian qua còn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới. Đồng USD trên thị trường quốc tế lên giá mạnh, gây áp lực khiến đồng tiền của các nước khác trượt giá sâu, nhất là đồng Nhân dân tệ…Dĩ nhiên tỷ giá VND/USD cũng bị cuốn vào dòng chảy đó và mức điều chỉnh của NHNN là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và các tác động chung. Tuy nhiên, biến động vượt quá của tỷ giá dễ ảnh hưởng tiêu cực tới sự cân đối của nền kinh tế vĩ mô. Đó cũng chính là lý do ổn định tỷ giá góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trở thành mục tiêu xuyên suốt của nước ta trong năm 2018.

Đặt trong bối cảnh biến động thường xuyên của nền kinh tế thế giới thì ổn định kinh tế vĩ mô lại chính là lợi thế của Việt Nam, trong đó có ổn định tỷ giá. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần gia tăng sức hút đối với dòng vốn FDI cũng như tạo giá trị niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước.

Ở khía cạnh đó, trong diễn biến của tỷ giá VND/USD gần đây, lãnh đạo cấp cao NHNN khẳng định tính đến thời điểm hiện nay vẫn chưa ghi nhận hoạt động rút vốn nào của nhà đầu tư FDI ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam; thậm chí 6 tháng đầu năm nay vốn ngoại vẫn chảy ròng mạnh vào chứng khoán. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng một tương lai tươi sáng đối với dòng vốn ngoại bởi tiền đang ở lại thị trường và chờ thời cơ thích hợp để giải ngân.

Theo: Nguyễn Cường