Từ tranh chấp thương hiệu Phở Thìn bàn về vấn đề nhượng quyền thương hiệu

Những ngày qua mạng xã hội xôn xao về vụ việc tranh chấp thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc nổi tiếng. Trước Phở Thìn, nhiều nhãn hiệu, thương hiệu lớn cũng từng xảy ra tranh chấp như Vinamilk, Trung Nguyên, Đức Phát Bakery…; qua đó phần nào cho thấy tư duy về sản phẩm của người Việt rất tốt nhưng lại hạn chế trong khâu quản lý, kinh doanh.

Nhan nhản…Phở Thìn

Không chỉ tại quê nhà Hà Nội mà thương hiệu Phở Thìn còn trải khắp địa bàn Tp.HCM, từ Thủ Đức, quận 1 cho đến quận 4…Điểm chung là phở ở đây khá ngon, thể hiện dưới đánh sao của cộng đồng mạng. Một số quán đông khách còn tự tin quảng cáo mình là “phở bò nổi tiếng ở Hà Nội”. Để rồi khi tranh chấp “Phở Thìn Lò Đúc” nổ ra, nhiều khách hàng mới bật ngửa, hoang man tự hỏi không biết Phở Thìn mà mình đang thưởng thức là “Thìn nào”?

Xoay quanh lùm xùm những ngày qua, ông Nguyễn Trọng Thìn – Chủ thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc cho biết chỉ mới chính thức làm nhượng quyền quán phở mang thương hiệu đầu tiên tại quận 7 (Tp.HCM), khai trương hồi đầu tháng 2/2023; còn lại ông không đồng hành phát triển bất kỳ quán “Phở Thìn” nào.

Nếu tra cứu thông tin tại website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, có thể thấy hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc vẫn cập nhật trạng thái “đang giải quyết” mặc dù ông Thìn đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu từ lâu với bộ nhận diện mới bao gồm chữ số, hình ảnh. Nhãn hiệu “Phở Thìn” cũng được cơ quan chức năng bảo hộ và ngăn chặn các hành vi xâm phạm cho Phở Thìn Bờ Hồ, đã được đăng ký lại nhãn hiệu và thời hạn hiệu lực đến 26/12/2024.

Theo ý kiến của một luật sư, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tức phải trải qua việc đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ (Điều 6.3a Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành). Vì vậy nếu nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ thì quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đó chưa phát sinh. Trong trường hợp này, do “Phở Thìn” đã được đăng ký bảo hộ thành công nên việc cấp một quyền sở hữu nhãn hiệu khác cho “Phở Thìn 13 Lò Đúc” sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Hồi chuông cảnh báo cho người mua nhượng quyền

Có thể thấy hoạt động nhượng quyền kinh doanh các quán phở tại “đầu tàu” kinh tế Tp.HCM diễn ra khá sôi động do món ăn này rất được người dân yêu thích. Phí nhượng quyền một quán phở có thể lên đến hơn 1 tỉ đồng, tùy mức độ danh tiếng nên câu chuyện nhượng quyền theo đó cũng trở nên phức tạp hơn rất nhiều

Người kinh doanh chủ yếu quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận trong khi bảo vệ tài sản trí tuệ lại khá mơ hồ. Đôi lúc không cần nhiều kinh nghiệm, chỉ có sẵn mặt bằng, người kinh doanh có thể đặt vấn đề với một quán phở đông khách nào đó để mua nhượng quyền mà ít khi để ý thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên theo chuyên gia ẩm thực Hoàng Tùng, đây lại là một rủi ro cho người đi mua nhượng quyền bởi bỏ tiền tỉ ra mua nhượng quyền mà thương hiệu không được bảo hộ thì rất rủi ro vì mở hôm nay, ngày mai có thể có người khác mở một cái tương tự với thương hiệu tương tự và bán sản phẩm y hệt nhưng người nhượng quyền không thể làm gì, bên bán nhượng quyền cũng không bảo vệ gì cho người đã mua thương hiệu. “Hiện nay có rất nhiều mô hình kinh doanh chưa đủ điều kiện làm nhượng quyền nhưng vẫn cố tình phớt lờ. Điều này sẽ tạo ra rủi ro rất lớn cho những người mua nhượng quyền bởi họ sẽ không được bảo vệ một cách chính đáng và dễ xảy ra tình trạng tiền mất tật mang khi mua phải những thương hiệu này” – ông Hoàng Tùng cảnh báo.

Bảo Nam